Đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 đánh dấu một mốc rất quan trọng, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên.

Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, trong đó có đề cập đến những quy định đầu tiên về mua bán, chuyển giao tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng nêu rõ, thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính và công nghệ của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước và tham gia vào thị trường carbon toàn cầu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quy định mới về mua bán tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng chế định việc tổ chức và phát triển thị trường carbon như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Với lợi thế và tiềm năng to lớn, việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đã được WB đánh giá rất cao. Chính phủ chỉ đạo đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, theo các nhà quản lý, hiện còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách có liên quan để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực này.

Các quy định về chuyển nhượng carbon rừng nằm trong khuôn khổ pháp lý chung về chuyển nhượng carbon, trong đó có những quy định về thị trường carbon (thị trường bắt buộc, thị trường tự nguyện, thị trường quốc tế); quy định về phát triển thị trường carbon trong nước…

Mặc dù nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại.

Carbon rừng chỉ trở thành sản phẩm hàng hóa để chuyển nhượng khi được xác nhận là tín chỉ phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án theo tiêu chuẩn carbon phù hợp, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi.

Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp. Trong đó, cần có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, vì đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng carbon rừng. Đồng thời cũng cần có quy định về carbon rừng là tài sản của rừng cũng như sản phẩm hàng hóa khác như gỗ hay lâm sản ngoài gỗ.

Carbon rừng chỉ trở thành sản phẩm hàng hóa để chuyển nhượng khi được xác nhận là tín chỉ phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án theo tiêu chuẩn carbon phù hợp, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi. Đây là một quá trình đặc thù, trải qua nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa có hoặc có nhưng không phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng, nâng cao chế định quản lý nhà nước đối với carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá trữ lượng carbon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm.

Do tín chỉ carbon rừng là loại hàng hóa đặc biệt, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực này, Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đây là hình thức hợp đồng được ký kết theo thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhằm đa dạng hóa các hình thức hợp tác, góp phần mang lại hiệu quả cao, bền vững trong việc đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong xu thế phát triển hiện nay…