1/Từ năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (bên nhận ủy thác của Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp) đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Tiếp đó, thỏa thuận ERPA đã được thể chế hóa tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đây là Nghị định đầu tiên giúp tạo ra một quy trình trong việc trao đổi, chuyển nhượng và triển khai carbon rừng ở Việt Nam; đồng thời đánh dấu bước ngoặt đưa Việt Nam bước đầu tiếp cận, tham gia cùng xu hướng chung của thế giới trong việc trao đổi, chuyển nhượng, thương mại tín chỉ giảm phát thải carbon rừng.
Nguồn thu từ ERPA chính là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Cụ thể, với nguồn kinh phí 51,5 triệu USD nhận từ Quỹ đối tác carbon, sau khi trích tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác (tối đa 3,5% hoặc khoảng 1,802 triệu USD), còn lại khoảng 49,698 triệu USD được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương điều phối cho sáu tỉnh trong khu vực theo quy định. Đây là nguồn tài chính rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, góp phần tăng nguồn thu nhập cho gần 70 nghìn hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư có sự tham gia mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, ngay từ năm 2013, được sự hỗ trợ của Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh về REDD+, về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng là một trong sáu tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia Đề án giảm phát thải được Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế cam kết chi trả.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ hai trong sáu tỉnh của khu vực). Số kinh phí này để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã. Diện tích được chi trả là 469.317 ha rừng tự nhiên, bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170 nghìn đồng/ha. Nội dung chi trả bao gồm: hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.
2/Hiện, các tỉnh trong khu vực đang tranh thủ sự hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng phương án, tham mưu cho UBND các tỉnh phê duyệt và chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện việc chi trả kinh phí tận tay chủ rừng theo quy định. Cũng theo ông Mai Văn Minh, sắp tới tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng hiện đang được thế giới rất quan tâm.
Có thể nói, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ - ERPA được thực hiện thí điểm đã giúp khơi thông và kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng. Hơn nữa, thỏa thuận còn tạo tiền đề cho việc hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, đặc biệt là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có nội dung về dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm ERPA cũng chính là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và COP28 vừa được tổ chức tại Dubai cuối tháng 11 vừa qua.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường tín chỉ carbon sắp tới, các địa phương trong khu vực đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, vận hành, khai thác thị trường tín chỉ carbon rừng, bởi đây là lĩnh vực mới và phức tạp.