Trước thực tế đó, người dân trồng dừa đang rất lo lắng vì thu nhập giảm, đầu ra sản phẩm lại gặp khó. Tới đây, rất mong chính quyền địa phương và các cấp, các ngành có liên quan tìm cách đưa quả dừa đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để ổn định đầu ra. Mặt khác, hỗ trợ, hướng dẫn người trồng các phương pháp chế biến sâu các sản phẩm từ dừa để đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Như hiện nay, theo tính toán của người dân, để chế biến ra một lít tinh dầu dừa cần khoảng 20 quả dừa nguyên liệu. Với giá dừa nguyên liệu hiện nay là 5.000 đồng/quả, 20 quả là 100 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu bán “xô” thì tinh dầu dừa có giá 200 nghìn đồng/lít, còn nếu đóng chai thì giá trị tăng từ 700 đến 800 nghìn đồng/lít. Như vậy, so sánh giữa xuất bán quả thô cho thị trường Trung Quốc và đưa dừa vào chế biến sâu lấy tinh dầu thì thấy rõ mức chênh lệch kinh tế là rất lớn. Chưa kể đến các bộ phận khác của cây dừa cũng có thể đưa vào chế biến để tạo ra thành phẩm. Thí dụ như vỏ quả dừa (còn gọi là xơ dừa) được ép thành bánh, cho vào những chất dinh dưỡng nuôi cây trồng. Hay thân cây dừa được tách sợi để làm đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng...
Tuy nhiên, việc sản xuất chế biến tinh dầu dừa trên địa bàn vẫn còn ít và hoạt động nhỏ lẻ, chưa xây dựng được tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cũng như chưa cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác cho nên không đẩy mạnh được khâu tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường. Ðồng thời, việc tận dụng các phụ phẩm từ dừa để tạo ra sản phẩm hữu ích cũng chưa được coi là một hướng đi tạo thêm giá trị kinh tế cho mỗi hộ gia đình. Chính vì vậy, các hộ trồng dừa mong muốn chính quyền địa phương có các chính sách thúc đẩy phát triển khâu chế biến sâu sản phẩm dừa, hạn chế xuất thô, nâng cao giá trị trái dừa và thu nhập cho người dân.