Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường

NDO - Chiều 22/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.
Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân. Văn hóa học đường thể hiện qua hai phương diện quan trọng, đó là tạo dựng các giá trị văn hóa và củng cố, phát triển các quy tắc ứng xử…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng; xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường ảnh 1

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, Quốc hội đã đẩy mạnh thể chế hóa nội dung phát huy giá trị văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong các đạo luật, các nghị quyết, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan…

Hội nghị tập trung đánh giá những thành tựu, hạn chế của công tác văn hóa học đường thời gian qua, đồng thời xác định những định hướng lớn, mục tiêu chung và những hoạt động nhằm tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường. Cụ thể là xác định và phát triển các giá trị văn hóa, rà soát, hoàn thiện các quy tắc ứng xử phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đề cao vai trò dẫn dắt, hình mẫu của nhà giáo; Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức quần chúng trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.Vì vậy, thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra; Tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt; Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường; Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo; Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử; Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng; Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Ủy ban và Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…; Tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục; Có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội; Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ; các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử học đường căn bản, lâu dài.

Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị đang tạo được những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường ở nhiều nơi, từng bước tạo dựng, củng cố niềm tin xã hội đối với ngành.