Dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây thực sự là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, sẽ và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, chỉ thị về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Tinh thần của Hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo lập được giá trị bản thân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hơn bao giờ hết, xây dựng văn hoá học đường đã và đang trở thành một xu thế trong cải cách giáo dục ở các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới, nảy sinh từ những thay đổi trong tiếp cận đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đây tập trung vào một số yếu tố “đầu vào” riêng lẻ như đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng chuẩn trường học, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…
Trong khoảng 20 năm gần đây, đã có cách tiếp cận tổng thể mọi yếu tố gắn kết với nhau trong một hệ thống đồng bộ và nhất quán, nền tảng hệ thống đó là văn hóa học đường. Nền tảng ấy được tạo nên từ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin được bồi đắp bền bỉ theo thời gian; xuyên suốt trong mọi tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nhờ thế, văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường, mà điều cốt lõi là nó sẽ tạo nên nền tảng tinh thần của nhà trường, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.
Hội thảo gồm hai phần. Ở phiên chung, Hội thảo được nghe các tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; văn hóa trường học trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; nhận diện các cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam. Phần thứ hai là phiên chuyên đề thảo luận về văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong - ngoài nhà trường và trên môi trường mạng.
Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa học đường trong rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững đất nước. Một nhà trường có nếp sống văn hóa lành mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp, sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái, tạo ra môi trường giáo dục tích cực, từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Nhiều giải pháp cũng được đề xuất để văn hóa học đường và giáo dục giá trị văn hóa trong các nhà trường...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo buộc phải chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, song Hội thảo vẫn nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo...
Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức trong xây dựng hệ giá trị, môi trường văn hóa trong trường học, Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề như: Hệ giá trị con người Việt Nam phải được cụ thể hóa và thực hiện trong trường học; rèn luyện phẩm chất yêu nước, trung thực và sáng tạo; nhà giáo chuẩn mực, gương mẫu; học sinh có nhân cách tốt, có ý thức học tập tốt và có hoài bão lớn. Bổ sung, hoàn thiện các giải pháp xây dựng văn hóa học đường, tập trung xây dựng một số mô hình điểm về văn hóa học đường để tạo sức lan tỏa.
Xây dựng kỷ cương trong trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện; có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Gắn chặt việc xây dựng văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhà giáo, hướng dẫn học sinh ứng xử chuẩn mực, có văn hóa trên không gian mạng.
Hội thảo cũng đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp. Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường. Ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng môi trường văn hóa học đường. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến văn hóa học đường, trong đó có quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục. Xây dựng thiết chế văn hóa học đường làm cơ sở cho định hình văn hóa mới trong trường học, nhất là hệ thống thư viện trong trường học.
Thứ ba, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Trước mắt, bảo đảm an toàn cho việc dạy và học trực tuyến, tránh các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý của người học.
Thứ tư, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên; khắc phục triệt để bệnh thành tích và thiếu trung thực trong giáo dục; ngăn ngừa bạo lực học đường.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có giải pháp, cơ chế để huy động sự tham gia tích cực của gia đình. Nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường. Tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức đoàn, đội trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự chủ động tham gia của học sinh, sinh viên trong xây dựng môi trường văn hóa học đường...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết: “Những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được Ban nội dung của Hội thảo tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục - đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới”.