Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin sởi

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ðiều này thể hiện quyết tâm của các cấp ngành y tế và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy lùi dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, con số gần 20.000 trẻ được tiêm là rất thấp so với số trẻ được thống kê.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ Trạm Y tế Ðông Hưng Thuận, Quận 12 tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Các y, bác sĩ Trạm Y tế Ðông Hưng Thuận, Quận 12 tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Ca bệnh tăng nhanh, phần lớn chưa tiêm ngừa

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ 2021-2023, thành phố chỉ ghi nhận một trường hợp mắc sởi. Ðầu năm 2024 đến ngày 22/5, thành phố không ghi nhận ca mắc sởi. Tuy nhiên, từ ngày 23/5 đến 4/9, thành phố ghi nhận 541 trường hợp mắc sởi, ba ca tử vong gồm hai trường hợp có địa chỉ ở thành phố và một trẻ ở tỉnh, trẻ tử vong do sởi đều có bệnh nền bẩm sinh. Các quận, huyện có số trẻ mắc sởi cao nhất là Bình Chánh với 136 ca, Bình Tân 123 ca, Hóc Môn 41 ca, thành phố Thủ Ðức 33 ca…

Ðáng lưu ý, 74% số trẻ bị sởi đều chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi dù đã đủ tuổi.

Trong tháng 8/2024, số ca bệnh sởi tăng nhanh. Tính tám tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 368 ca nhập viện, có 42 ca nặng (28% thở máy; 60% có bệnh nền); bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 66%. Ðáng chú ý, không có bệnh nhân nặng nào từ tuyến tỉnh chuyển lên tiêm ngừa vắc-xin sởi đủ hai mũi.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng: Hiện nay có sáu quận, huyện vùng ven có số ca sởi chiếm 73% trong tổng số ca sởi của thành phố gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Quận 12, Quận 7 và thành phố Thủ Ðức. Ðiều này cho thấy, cần ưu tiên tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng này, nơi có di biến động dân cư cao để hạn chế tốc độ lây lan của dịch sởi.

Bởi về cơ chế tiêm vắc-xin sởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người tiếp xúc với ca bệnh sởi được tiêm vắc-xin trong vòng ba ngày khả năng mắc sởi sẽ ít đi. Nếu mắc sởi bệnh sẽ nhẹ hơn và ít bị biến chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ ít lây lan bệnh cho người khác.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tiêm chủng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, ngành y tế thành phố đã khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ. Các ban, ngành, đoàn thể quận, phường, khu phố, nhất là các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng rất tích cực tham gia truyền thông, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi, cũng như hỗ trợ tại các điểm tiêm vắc-xin.

“Tuy nhiên, số lượng được tiêm ngừa còn thấp. Chúng tôi rất lo khi Sở Y tế đã khởi động cho người dân biết để đi tiêm ngừa cho gần 20.000 trẻ, nhưng số lượng được tiêm ngừa rất thấp so với số trẻ được báo cáo”, ông Thượng thông tin.

Ðể công tác phòng chống dịch tốt hơn, tăng số lượng trẻ được tiêm sởi đầy đủ, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố cần phối hợp Sở Y tế thực hiện khẩn trương, làm tốt chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa sởi bổ sung cho trẻ; giáo viên chủ nhiệm các lớp cần nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đi tiêm tại các cơ sở y tế theo đúng khuyến cáo ngành y tế.

Sở Y tế thành phố cũng cho biết: Giám sát của sở tại một xã khu vực phía nam có dịch sởi xảy ra cho thấy 40% số trẻ là tạm trú. Trong đó, chỉ có 1/3 số trẻ tạm trú đã tiêm một mũi vắc-xin sởi. Ðiều này cho thấy, trẻ di biến động dân cư là trẻ có nguy cơ mắc sởi cao. Sở xác định nhiệm vụ quan trọng là khẩn trương rà soát toàn bộ nhóm di biến động dân cư để tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là nhiệm vụ của chính quyền sở tại; trong đó, có cộng tác viên y tế và những người khác để làm tốt công tác tiêm chủng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur đề nghị: Ưu tiên những quận, huyện là điểm nóng, có nguy cơ cao bùng dịch sởi để tập trung giải quyết tiêm vắc-xin trước nhằm ngăn dịch lây lan mạnh. Riêng với các trường học, hiện học sinh đã tựu trường, hệ thống giám sát dịch bệnh ở trường cần phải cảnh báo cao. Những trường có trẻ mắc sởi cần ưu tiên tiêm vắc-xin trước để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, cần truyền thông tới người dân về các tác dụng phụ của vắc-xin sởi, cách xử trí khi trẻ gặp tác dụng phụ để phụ huynh yên tâm cho con tiêm chủng cũng như xử trí kịp thời các trường hợp hiếm gặp bị tác dụng phụ.

Thông tin về công tác kiểm soát tình hình lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh cho biết: Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch, lên phương án chi tiết từng tình huống để phát hiện ca sởi và xử lý; có dự trù nhân sự, thuốc, vật tư, trang thiết bị. Bệnh nhi có triệu chứng mắc sởi được sàng lọc tại khoa khám bệnh, có dấu hiệu nặng thì vào khu cách ly.

Bệnh nhân không nặng thì vào phòng khám chuyên sởi của bệnh viện để theo dõi điều trị. Nếu bệnh nhân cần nhập viện sẽ được cách ly khu riêng. Khi mua thuốc, nhà thuốc cũng có cửa bán riêng cho bệnh nhi mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Mọi khâu đều có khu riêng biệt”. “Hiện thuốc IVIG còn nhưng thời gian tới, nếu dịch sởi lan rộng hơn hoặc có những bệnh dịch khác như tay, chân, miệng thì có nguy cơ thiếu hụt.

Do đó, bệnh viện đã đề xuất Bộ Y tế không chỉ hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng 1 mà còn cho tất cả các bệnh viện trong cả nước có nguồn thuốc chống dịch, thuốc cấp cứu ổn định; đồng thời, bảo đảm đáp ứng vật tư, thuốc chống dịch”, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh nhấn mạnh.

Ðể nâng cao hiệu quả phòng chống dịch sởi, người dân cần chủ động đưa trẻ từ chín tháng đến hai tuổi (chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc-xin sởi) đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày.

Bảo đảm nhà ở, nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.