(Tiếp theo và hết) (★)
Bài 5: Khát vọng vươn xa trong kỷ nguyên mới
Nhiệm vụ then chốt
Bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Năm 2025 được thành phố chọn là “Năm đẩy mạnh chuyển đổi số” với mục tiêu hoàn thiện chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Để thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên và công chức phải gương mẫu trở thành “công dân số”; đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực sử dụng các nền tảng số để cùng xây dựng thành công chính quyền điện tử và “thành phố thông minh”.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đến nay thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử…), xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung giúp người dân làm thủ tục hành chính thuận tiện hơn.
Việc xác minh thông tin cá nhân, trích lục giấy tờ được thực hiện nhanh chóng qua mạng, người dân không còn phải đi lại nhiều nơi như trước. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được mở rộng; người dân có thể đăng ký kinh doanh, xin cấp phép xây dựng, nộp thuế, trả phí… hoàn toàn trên môi trường số.
Cuối năm 2024, ra mắt ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh” trên điện thoại, tích hợp nhiều tiện ích từ giải quyết thủ tục hành chính đến thanh toán không tiền mặt; giúp người dân và doanh nghiệp có thể tương tác “một chạm” với chính quyền ở bất kỳ đâu, thực hiện các dịch vụ mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện. Việc tích hợp chức năng quét mã QR khi đi metro, thanh toán điện, nước, viện phí… ngay trên ứng dụng mang lại tiện ích thiết thực trong sinh hoạt hằng ngày.
Cùng với hạ tầng số, thành phố chú trọng bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao kỹ năng số cho người dân. Các chiến dịch tuyên truyền, tập huấn được triển khai đến từng khu phố, trường học để tất cả mọi người từ trẻ đến cao tuổi đều có thể tiếp cận công nghệ một cách an toàn, hiệu quả.
“Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Sự đồng hành, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình này”, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Vươn mình ra biển lớn
Khát vọng vươn mình ra biển lớn của Thành phố Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ nét qua định hướng phát triển logistics và kinh tế biển. Thành phố từ lâu đã được xác định là cửa ngõ chiến lược của Việt Nam hướng ra Biển Đông, là trung tâm giao thương quốc tế với hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước như Cát Lái, Hiệp Phước và Tân Cảng-Cái Mép.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nâng cấp, mở rộng các cảng biển và hoàn thiện mạng lưới logistics hiện đại, kết nối sâu rộng vào các tuyến giao thương quốc tế quan trọng, nhất là các thị trường Đông Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, thành phố đang khẩn trương xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm kết nối trực tiếp với sân bay quốc tế Long Thành, nơi được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng không hàng đầu khu vực.
Cùng với việc phát triển đô thị sáng tạo và chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển Khu đô thị Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính mới. Theo quy hoạch, một phần lớn diện tích tại Thủ Thiêm được dành để xây dựng tổ hợp các định chế tài chính - ngân hàng, sàn giao dịch vốn, tiền tệ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, thành phố chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy giáo dục-đào tạo kỹ năng tài chính quốc tế và thu hút các chuyên gia giỏi. Nhiều cơ chế, chính sách vượt trội đang được nghiên cứu như ưu đãi thuế, thủ tục hành chính một cửa tạo môi trường cạnh tranh ngang tầm các trung tâm tài chính trong khu vực.
Không chỉ hướng ra bên ngoài, trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh còn gắn với mục tiêu phục vụ thiết thực cho nền kinh tế quốc gia. Khi hình thành, trung tâm sẽ là nơi hội tụ các dòng vốn lớn, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm và dịch vụ giá trị cao cho người dân. Lãnh đạo thành phố cam kết xây dựng một mô hình trung tâm tài chính mở, minh bạch, hiện đại, thân thiện với nhà đầu tư quốc tế gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
Bằng khát vọng mãnh liệt và tầm nhìn chiến lược, tròn 50 năm sau ngày thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác đang vững vàng tiến bước với một tầm nhìn chiến lược cho thế kỷ 21: Chuyển mình mạnh mẽ hướng về biển lớn, sẵn sàng hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hành trình phát triển đô thị sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy chuyển đổi số cùng chiến lược phát triển cảng biển, logistics, mở rộng không gian thông qua sáp nhập tỉnh chính là lời khẳng định đầy tự tin của một thành phố năng động, tiên phong và luôn đổi mới.
Hơn 10 triệu trái tim người dân thành phố mang tên Bác đang cùng chung nhịp đập, đồng lòng hướng về mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị biển hiện đại, trung tâm kinh tế-tài chính-dịch vụ tầm vóc châu Á. Hành trình ấy còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm “vượt lên chính mình”, Thành phố Hồ Chí Minh có đủ niềm tin để viết tiếp những kỳ tích phát triển trong kỷ nguyên mới, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế.
(★) Xem trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 1, 4, 8 và 11/4/2025