Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của người dân trong cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh. Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng.
Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 370.483 tỷ đồng, đạt 101,53% dự toán và giảm 0,6% so cùng kỳ. Các hoạt động kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại; các chỉ tiêu kinh tế-xã hội có dấu hiệu dần phục hồi. Đây là cơ sở để thành phố đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, TP Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6-6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...
Đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao, được thực hiện trên tinh thần quyết tâm lớn thể hiện khát khao hồi phục và phát triển kinh tế của thành phố. Do vậy, Hội đồng nhân dân cần cụ thể hóa bằng những giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả. Trước mắt, cần triển khai thực hiện chiến lược y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, gắn với chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các chiến lược, kế hoạch khác.
Thành phố cũng sẽ tập trung đổi mới tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, phát huy dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại và việc tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố trong điều kiện không có Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường.
Hội đồng nhân dân thành phố cần có giải pháp đổi mới hình thức, phương thức giám sát, bảo đảm tính thực chất, chọn những vấn đề trọng tâm của thành phố, của từng địa phương, nhất là công tác xây dựng chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề bức thiết của cử tri và người dân. Đồng thời, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp thành phố giai đoạn 2020-2030.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là khi xuất hiện biến thể mới Omicron, Hội đồng nhân dân thành phố cần có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và trách nhiệm của toàn dân, triển khai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và chuyển quyết tâm chính trị của thành phố thành hiện thực.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thành phố đã đề ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2022: Khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa-xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến năm 2025: Tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh: Trung tâm kinh tế, tài chính; Trung tâm thương mại-mua sắm; Trung tâm dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch; Trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á...