Những nỗi đau còn mãi…
Tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã được các cơ quan chức năng xác định là địa bàn trung chuyển của nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh khiến nhiều người phải đau lòng. Hình ảnh những đứa trẻ được lực lượng chức năng giải cứu khi sắp bị lừa bán qua biên giới đã trở thành nỗi đau của chính lực lượng phá án.
Thiếu tá Phan Đức Thuận, cán bộ Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhớ mãi vụ án mà anh trực tiếp tham gia đấu tranh bắt giữ. Vào 14 giờ 5 phút, ngày 23/9/2019, hai đối tượng là Tăng Thị Ngọc Linh (sinh năm 1991, quê Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Xàng (sinh năm 1968, quê ở Bạc Liêu) bế theo một đứa trẻ chuẩn bị vượt biên đã bị lực lượng chức năng vây bắt tại đường mòn khu vực mốc 1125, thuộc khu vực Đồn Biên phòng Bảo Lâm quản lý.
Qua đấu tranh khai thác, đối tượng buôn người là Nguyễn Thị Xàng đã dụ dỗ môi giới để Tăng Thị Ngọc Linh bán chính con đẻ của mình sau khi sinh đứa con thứ tư được hơn 10 ngày tuổi. Hai người đã bắt xe từ Sóc Trăng ra Lạng Sơn để tìm đường bán sang biên giới.
Trong khi thực hiện hành vi phạm tội, hai đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Dù đã đấu tranh nhiều vụ án nhưng thông tin về việc đối tượng bán chính con đẻ của mình khiến đồng chí Thuận cùng các cán bộ ban chuyên án phải xót xa. Anh cùng các đồng đội phải trực tiếp mua bỉm sữa cho cháu bé, tạm thời gửi quân y quân đội chăm sóc trong khi hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng môi giới và cả người mẹ để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cũng trong năm 2019, vào hồi 6 giờ 20 phút ngày 8/8/2019, tại trục đường tuần tra biên giới khu vực mốc 1227, thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn. Tổ tuần tra cơ động của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phát hiện hai đối tượng bế theo một trẻ sơ sinh đi từ hướng nội địa ra biên giới. Qua kiểm tra, người phụ nữ thừa nhận đứa trẻ sơ sinh đang bế không phải con đẻ và đang thực hiện hành vi đưa trẻ sơ sinh qua biên giới để làm con nuôi để lấy 50 triệu đồng.
Tương tự như vậy, khoảng 16 giờ ngày 11/1/2021, tổ công tác Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đang làm nhiệm vụ tại khu 7, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái phát hiện một người đàn ông đi cùng một người phụ nữ bế trên tay một bé trai tám tháng tuổi có biểu hiện nghi vấn cho nên đã dừng xe kiểm tra. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng thừa nhận thông qua mạng xã hội được một người khác thuê đến Bến xe miền Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh đón một cháu bé ra Hà Nội nuôi hộ với số tiền công là 500 nghìn đồng/ngày, sau đó đưa ra thành phố Móng Cái giao cho người khác để nhận tiền công là hai triệu đồng.
Cần có giải pháp đồng bộ
Những cuộc trao trả của lực lượng chức năng giữa các quốc gia, những cuộc trở về sau nhiều năm xa cách hay những vụ việc được ngăn chặn khi các đối tượng chưa kịp thực hiện hành vi phạm tội, đó là sự may mắn. Nhưng vẫn còn đó biết bao trường hợp vẫn bặt vô âm tín, chưa tìm ra, là nỗi đau của các gia đình, khi mà thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, câu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Nhận định thủ đoạn tinh vi của các đối tượng này, các cơ quan chức năng cho rằng hiện nay lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; xuất khẩu lao động và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, lợi dụng triệt để các tiện ích về công nghệ thông tin thông qua các mạng xã hội: Facebook, Zalo, Wechat..., các đối tượng thường sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Các đối tượng thường xuyên mở rộng địa bàn hoạt động, không chỉ ở khu vực biên giới, mà còn đi sâu vào nội địa, các tỉnh, thành phố, thị xã để tuyển mộ người, dựng lên những màn kịch để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Và hiện nay, xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng lợi dụng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn... để dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Trung Quốc bán bào thai, bán trẻ sơ sinh…
Thêm vào đó việc phòng, chống loại tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn, Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, do luật pháp chưa đồng bộ thống nhất, một số hành vi phạm tội chưa được quy định để xử lý triệt để: như mua bán bào thai, mà chỉ dừng lại việc xử lý tội danh xuất, nhập cảnh trái phép. Về phía nạn nhân khi bị bán ra nước ngoài cũng không khai báo chính xác do bị đe dọa hoặc mặc cảm tự ti cho nên không hợp tác với cơ quan điều tra.
Lý giải về nguyên nhân sự việc, Đại tá Tô Văn Đồng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho rằng, xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận người lao động, trong khi cơ hội việc làm trong nước khó khăn dẫn đến khi có người rủ rê, lôi kéo với viễn cảnh về công việc có thu nhập cao khiến các nạn nhân dễ tin theo. Nhiều người, nhất là người trẻ tuổi hiện quan tâm đến mạng xã hội nhiều hơn; ít hoặc không quan tâm đến các thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên truyền hình, báo chí cho nên không có ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm, dễ bị lừa gạt.
Để phòng ngừa, theo các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác trinh sát kỹ thuật; triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý. Duy trì quan hệ chặt chẽ với lực lượng chức năng nước láng giềng trong quản lý biên giới, phòng, chống tội phạm; điều tra, truy bắt đối tượng; xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và có chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với hành vi mua bán người. Bên cạnh đó thì giải pháp quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân không chỉ khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, tích cực thông tin tuyên truyền để tất cả mọi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể nhận biết và tránh xa tội ác mua bán người.
Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào dùng vũ lực, lừa gạt chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội có tổ chức, đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm… Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN (Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Hà Nội)