Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xuất, nhập khẩu

Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn. Nhờ đó, khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh trở thành nơi trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ hàng làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Chủ hàng làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).

Với lợi thế tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, tỉnh có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và chín cửa khẩu phụ, cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện nối liền các trung tâm kinh tế lớn trong nước...

Nỗ lực xây dựng “cảng nổi” nơi biên cương

Vào những ngày cuối tháng 5, đến với Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), hình ảnh những đoàn xe chở hàng hóa ùn ứ kéo dài, xếp dọc hai bên đường vào cửa khẩu đã giảm hẳn. Chi Cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Hà Thị Kim Dung cho biết: Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch nông sản như: dưa hấu, thanh long... là thường hay xảy ra hàng ùn ứ tại cửa khẩu, nhưng giờ đây đã được giải quyết cơ bản.

Mới đây tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc), khu vực mốc 1090-1091; lối thông quan Cốc Nam (Việt Nam)-Lũng Nghịu (Trung Quốc), khu vực mốc 1104-1105, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Đây là sự kiện kinh tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thương mại, nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Việc mở chính thức đường chuyên dụng, các lối thông quan nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc).

Ngoài ra, việc mở chính thức lối thông quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu và xuất, nhập cảnh, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông quan hàng hóa và hoạt động xuất, nhập cảnh. Bên cạnh đó, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho hành khách xuất, nhập cảnh, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh bến, bãi tại khu vực cửa khẩu.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư để triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu. Điển hình là tập trung đầu tư xây dựng công trình tòa nhà Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp, cải tạo đường xuất, nhập khẩu Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình); nâng cấp Nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam (huyện Văn Lãng); cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị-Bảo Lâm... Những dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, nhất là tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn tỉnh.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung kêu gọi, thu hút, huy động các nguồn vốn xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư triển khai các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể từ năm 2016-2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu là hơn 60.000 tỷ đồng, riêng năm 2023 huy động 11.574 tỷ đồng đầu tư 12 dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu như: khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan và khu chế xuất 1...

Xây dựng cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh

Với diện tích 394 km2, Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh nói riêng và vùng đông bắc nói chung. Trong giai đoạn năm 2016-2025, Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh được Chính phủ lựa chọn là một trong các Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Đại cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu thu hút 154 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 87 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, trung tâm thương mại... Nhìn chung, các dự án phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Hiện nay, tỉnh tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thu hút đầu tư đối với một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối dịch vụ logistics trên địa bàn như: Thu hút đầu tư 3 cảng cạn (nằm trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án thuộc quy hoạch khu chế xuất, khu phi thuế quan…

Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn triển khai xây dựng đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa; mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và khu vực mốc 1088/2-1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe; đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng bến bãi trong khu vực cửa khẩu.

Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh: Trước mắt lựa chọn mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử xuất khẩu của Trung Quốc. Về mô hình quản lý, vận hành khai thác cửa khẩu sẽ xây dựng một Trung tâm chỉ huy điều hành tại các cửa khẩu. Về lộ trình thực hiện, đề án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý II/2024 đến hết quý II/2026 (giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng); giai đoạn 2 từ quý III/2026 đến hết quý III/2029 (giai đoạn thực hiện thí điểm); dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là 7.968 tỷ đồng…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn, phù hợp mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa giữa hai bên tiến hành nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất thông quan và giải quyết được vấn đề ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân. Mô hình cửa khẩu thông minh cũng góp phần tăng năng lực, hiệu suất thông quan, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Từ đó, Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, Cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “Trung tâm thương mại nông nghiệp”, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh. Tuyến liên vận đường sắt quốc tế ga Đồng Đăng sẽ trở thành tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN. Hiện, tỉnh đang xây dựng cơ chế thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu, phấn đấu đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành Trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh.