Đầu tư phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia U Minh Hạ

NDO - Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích hơn 8.200ha, thuộc một trong hai hệ sinh thái rừng đặc thù ở vùng sông nước Cà Mau. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
0:00 / 0:00
0:00
Phân khu dịch vụ hành chính tại Vườn Quốc gia U Minh hạ tỉnh Cà Mau.
Phân khu dịch vụ hành chính tại Vườn Quốc gia U Minh hạ tỉnh Cà Mau.

Chiều 4/7, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.458 tỷ đồng, trong đó có 1.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa.

Đầu tư phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 1
Một góc Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Theo đề án vừa phê duyệt, mục tiêu của Cà Mau nhằm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, Vườn quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu chức năng, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính và một phần phân khu phục hồi sinh thái với tổng diện tích hơn 1.300 ha.

Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có một số tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch và các tuyến kết nối các khu điểm du lịch ở các khu vực như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc; khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh.

Vườn quốc gia U Minh hạ cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 26km, có diện tích hơn 8.200ha, nằm trên địa phận hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, là một trong hai Vườn quốc gia có hệ sinh thái rừng đặc thù ở Cà Mau. Đây là khu vực có hệ động, thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn, do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành.

Đầu tư phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 2

Hội thi cá lóc đồng to nhất tại Vườn quốc gia U Minh hạ vào cuối tháng 4/2023.

Thực vật đặc hữu ở Vườn quốc gia U Minh Hạ là các loài, như: tràm, móp, năn, sậy, choại... Trong khi động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Nhiều trong số đó thuộc loại quý hiếm, được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

Ngày 26/5/2009, cùng với Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Đầu tư phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 3

Có hệ động, thực vật phong phú và thảm rừng xanh mướt nên Vườn quốc gia U Minh hạ phù hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nhờ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loại và mảng xanh thiên nhiên dày đặc nên thời gian qua, không ít du khách đã tìm đến trải nghiệm tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Tỉnh Cà Mau cũng quan tâm phát triển du lịch nơi đây.

Tuy nhiên, do chưa đầu tư xứng tầm, hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn… nên khách đến vườn chưa mang tính chuyên sâu.