Về với thiên nhiên đất rừng U Minh Hạ

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nơi đây có hệ sinh thái mang đậm dấu ấn vùng đất Phương Nam với hệ động thực vật vô cùng phong phú.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm đi xuồng máy trong rừng tràm thuộc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Du khách trải nghiệm đi xuồng máy trong rừng tràm thuộc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ có diện tích tự nhiên hơn 8.500ha, thuộc địa bàn hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau. Nơi đây được xem như một khu Ramsar của Việt Nam với nhiều hệ sinh thái, động thực vật rất phong phú, đa dạng.

Rừng U Minh Hạ mang vẻ hoang sơ vô cùng độc đáo mà không nơi nào có được, đặc biệt là rừng tràm nguyên sinh. Du khách có cảm giác đặc biệt thú vị khi được lênh đênh trên chiếc xuồng ba lá theo các con kênh nhỏ đi sâu vào rừng, ngang qua những bụi lau sậy, những cánh rừng tràm bạt ngàn thơm ngát hương hoa, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, trong lành cùng tiếng chim muông ríu rít. Càng đi sâu vào bên trong khách càng cảm nhận vẻ đẹp của khu rừng hàng trăm tuổi; được nghe hướng dẫn viên thuyết trình về lịch sử, từ thời khai hoang của các bậc tiền nhân đến công cuộc phát triển du lịch hiện nay.

Loài cây đặc trưng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ là cây tràm và các loài dây leo, sống ký sinh vào nhau tạo nên vẻ đẹp tự nhiên. Động vật rất phong phú, nào là cá đồng, trăn, khỉ, nai, heo rừng… Tận dụng lợi thế này, nơi đây đã quy hoạch phát triển tour du lịch sinh thái, với các dịch vụ trải nghiệm để du khách được hòa mình cùng thiên nhiên.

Tuy cách làm du lịch chưa thật sự bài bản, nhưng tâm thế của nhà nông làm du lịch đã được nâng tầm nhờ giá trị sản phẩm từ rừng. Khai thác đi đôi với bảo tồn, phát triển là hướng đi mà các khu du lịch sinh thái đang hướng đến. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Lê Thanh Dũng cho biết, đây là khu di tích lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt; rất cần mở rộng để phát triển và kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức.

Một trong những điểm đến hấp dẫn tại xứ rừng U Minh Hạ, phải kể đến Khu du lịch sinh thái Hương Tràm. Tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống dân dã, yên bình chốn thôn quê với bộ đồ bà ba truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất U Minh. Không chỉ đi thuyền trong rừng tràm, khách còn được tham gia tát đìa hoặc chụp đìa bắt cá đồng mùa khô, một nét văn hóa có từ lâu đời của người dân U Minh Hạ. Mùa tát đìa thường được chia thành hai đợt, trước và sau Tết.

Trước Tết, khi nước còn nhiều trong ao, đìa, kênh, mương rộng lớn, bà con nông dân dùng hình thức ém lưới (hay còn gọi là chụp đìa) bắt trước một phần cá phục vụ cho bữa ăn ngày Tết. Sau Tết, đến mùa khô hạn nước rút cạn đồng, cá dồn về đìa mới dùng máy tát cạn nước trong đìa rồi cùng nhau lội bùn bắt cá. Cá trong đìa có nhiều loại, đặc biệt là loài cá dầy rất hiếm.

Sau buổi bắt cá đìa không thể thiếu cảnh chủ đìa chọn những con cá ngon đem nướng bằng rơm rạ ăn kèm với rau đắng đất, chấm muối ớt hay nấu nồi canh chua me, rau muống đồng, rau cóc đãi bà con ngay tại đìa rất dân dã, rất ngon và thú vị. Ông Huỳnh Hồ Chí Tâm đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu kể: “Chúng tôi được đi qua rừng tràm, giống như sông nước Amazon, rất là tuyệt vời. Trong đoàn có mấy người Việt Kiều mới về khen món cá trê vàng chấm mắm gừng rất ngon. Lần tới chúng tôi sẽ quay lại để hưởng thụ lần nữa”.

Một loại hình không kém phần thú vị nữa là hành trình trải nghiệm ăn ong. Để tiếp cận được tổ ong, du khách phải men theo lối mòn, chen chân qua cây cỏ vào trảng tràm hay trảng sậy. Khoảnh khắc chứng kiến hàng vạn con ong tua tủa ra với những âm thanh vo vo, xì xèo sẽ làm không ít người rùng mình, nhưng khi càng tiến đến gần thì càng trở nên hứng thú, phần vì tò mò, phần là phấn khích khi chứng kiến những tảng mật vàng óng được cắt nhanh tay. Khi ống mật vỡ, những dòng mật chảy ra sóng sánh, chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngọt lịm.

Vùng đất rừng U Minh có ưu thế rất lớn, góp phần cùng Cà Mau hướng đến phát triển du lịch xanh. Người dân đất rừng U Minh cùng cơ quan chức năng địa phương đang tận dụng và nâng tầm các sản vật vốn có để phát triển du lịch sinh thái; các sản vật đất rừng cũng nhờ du lịch mà ngày càng có giá trị hơn. Thời gian qua, việc những cơ chế, chính sách không phù hợp dần dà được xóa bỏ đã góp phần mang đến diện mạo, sức sống mới cho cư dân lâm phần. Chính vì nhờ chuyển dịch kinh tế đúng hướng đã giúp đời sống cư dân miệt rừng từng ngày “thay da, đổi thịt”, diện mạo nông thôn càng thêm đổi mới.