Đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa do vậy điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, hạ tầng thiết yếu thiếu thốn. Ba tỉnh nêu trên đã “dồn” nguồn lực của các chương trình để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm cho bà con, giúp vùng cao khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, vướng mắc, cần được tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được xây dựng khang trang từ vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh MINH TUẤN)
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được xây dựng khang trang từ vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh MINH TUẤN)

Với quan điểm vùng, miền nào cũng được hưởng thành quả của sự phát triển, nhiệm kỳ 2015-2020, Thái Nguyên ban hành Ðề án 2037, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn. Hầu hết các thôn, bản có đông đồng bào H’Mông trên địa bàn đều đã được đầu tư làm đường bê-tông đến trung tâm thôn, bản.

Khởi sắc sau đầu tư

Văn Lăng là xã khó khăn nhất của huyện Ðồng Hỷ, trong đó, 5 xóm, bản có đông đồng bào dân tộc H’Mông đều được đầu tư xây dựng đường bê-tông rộng gần 2m kết nối với trung tâm xã. Ông Hoàng Văn Tiến, Phó trưởng xóm Văn Lăng chia sẻ: “Những năm trước đây bà con nuôi được lợn, trồng được nhiều ngô nhưng khó bán, vì đường đi rất khó khăn, thường phải gánh gồng vượt đường mòn men theo sườn núi, khe suối. Năm 2019, tỉnh đầu tư con đường bê-tông từ cuối xóm xuống đến trung tâm xã do vậy việc đi lại thuận lợi, vận chuyển gì cũng dễ dàng, thúc đẩy bà con chăn nuôi, trồng các loại cây lương thực và trồng rừng”.

Cùng với Ðề án 2037, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư điện, đường, trường, trạm cho xã Văn Lăng khang trang. Theo đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng, nhờ được đầu tư, đến hết năm nay xã sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Giao thông là kết cấu hạ tầng được các tỉnh miền núi xác định nếu “khai mở” được sẽ tạo động lực rất lớn để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo Lạc là một trong những huyện khó khăn nhất trong tỉnh Cao Bằng. Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến với các thôn, bản vùng khó khăn nơi đây được ví như “dòng nước mát”, giải “cơn khô hạn” về hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Ông Lý Văn Thành, xóm Phiêng Nà, xã Hưng Ðạo phấn khởi chia sẻ, trước đây, con đường liên xóm nhỏ hẹp, mưa thì lầy lội, trơn trượt. Giờ có con đường bê-tông mới, chúng tôi đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa đều dễ dàng.

Còn tại tỉnh Bắc Kạn, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2023, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo tám tuyến đường liên xã quan trọng, như: Nông Hạ đến Khe Thỉ (huyện Chợ Mới); Bình Trung (huyện Chợ Ðồn) đến Trung Minh (Tuyên Quang); Cốc Ðán (huyện Ngân Sơn) đến xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng); Nghiên Loan đến Cổ Linh (huyện Pác Nặm); Cao Sơn đến Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông)…

Ba năm qua, khoảng 60% vốn đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình đường giao thông, nước sinh hoạt, công trình điện, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng ở những vùng khó khăn, giúp thay đổi đời sống và tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc.

Nông Quốc Khôi, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ðến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng cho 10 dự án thành phần của chương trình. Từ nguồn vốn được giao, hiện đã có 334 công trình thiết yếu được đầu tư, nâng cấp sửa chữa; gần 500 hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã giải ngân 1.576 tỷ đồng trên tổng số 2.652 tỷ đồng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tạo sức bật mới trong phát triển.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, chỉ tính riêng năm 2023, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã đầu tư xây dựng 96 công trình hạ tầng thiết yếu, với số vốn gần 100 tỷ đồng, ba khu dân cư tập trung với số tiền gần 80 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 này.

Đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Công nhân Ðiện lực huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, kiểm tra trạm biến áp cấp điện cho các xã vùng cao. (Ảnh HƯƠNG LAN)

Tháo gỡ khó khăn

Việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia đã có những tác động rất tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay toàn tỉnh có 93,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số thôn, bản có điện lưới quốc gia, đường giao thông đến trung tâm các xóm được đổ bê-tông. Hạ tầng nông thôn miền núi ngày càng hoàn thiện, thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến hết năm 2023 còn 3,02% số hộ”.

Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Tuy nhiên, kết quả giải ngân của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp. Nguyên nhân do các nội dung của chương trình liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, hệ thống văn bản nhiều. Trung ương còn chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn nhiều văn bản chưa thống nhất, chưa cụ thể.

Một số kiến nghị, phản ánh bất cập, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách chưa được Trung ương hướng dẫn, giải quyết kịp thời cho nên chưa đủ căn cứ để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong khi đó, đội ngũ làm công tác dân tộc còn ít. Tại cấp xã, công chức nông lâm thực hiện quá nhiều nội dung, dự án, chương trình cho nên không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Văn bản của Trung ương quy định về nội dung, mức chi thực hiện còn phức tạp, dẫn chiếu quá nhiều văn bản. Việc phân bổ chi tiết theo lĩnh vực chi và chi tiết đến từng dự án khiến địa phương khó thực hiện. Có nội dung thiếu vốn, có nội dung thừa vốn, trong khi đó tỉnh lại không có thẩm quyền điều chỉnh kinh phí từ lĩnh vực sự nghiệp đang dư vốn sang các lĩnh vực sự nghiệp còn thiếu vốn - “Hiện tại, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị rất cụ thể về từng bất cập, khó khăn của từng dự án thuộc chương trình để kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh”.

Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, các tỉnh nêu trên kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi quy định trong Ðiều 90, 91 Nghị định 24/2024/NÐ-CP ngày 27/2/2024 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ðầu tư. Theo đó, thẩm quyền phê duyệt dự toán, ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu trị giá từ 200 triệu đồng trở lên, cần Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết, phê duyệt. Nội dung này cần phân cấp cho cấp dưới để tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục.

Ðối với các tỉnh miền núi, diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích tự nhiên. Ðể thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các tỉnh cũng kiến nghị cần phân cấp cho địa phương được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích hợp lý, tạo thuận lợi trong triển khai thi công, xây dựng các công trình.

Hiện nay, cấp xã chỉ được sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Do vậy, các tỉnh đề nghị bổ sung thêm “các công trình do cấp huyện, cấp tỉnh quản lý được sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng của Tiểu dự án để thực hiện nội dung duy tu, bảo dưỡng”.

Trong thời gian tới, các tỉnh tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân. Trong đó, các tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn, nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.