Đầu tư hạ tầng giao thông tránh lũ, cứu nạn miền núi Quảng Ngãi

NDO -

Thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, nhiều rủi ro khôn lường, những năm qua tỉnh Quảng Ngãi đầu tư nhiều công trình, đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn vùng núi cao. Hệ thống hạ tầng giao thông mới, trọng yếu đang gấp rút hoàn thiện, với mục tiêu phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng sạt lở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, cũng kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng núi cao Quảng Ngãi tăng trưởng hơn.

Đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Hạ tầng giao thông mới ở vùng núi bảo đảm tránh được lũ, không ách tắt khi mưa lớn và hỗ trợ người dân thoát nạn khi có sự cố trong mùa lũ.
Đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Hạ tầng giao thông mới ở vùng núi bảo đảm tránh được lũ, không ách tắt khi mưa lớn và hỗ trợ người dân thoát nạn khi có sự cố trong mùa lũ.

Hoàn thiện đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn

Những ngày hè nắng cháy miền cao, trên các trục giao thông từ các xã vùng núi huyện Ba Tơ, Minh Long các đơn vị thi công tăng cường thiết bị, đẩy nhanh tiến độ trên công trường. Tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại, kỹ sư, công nhân cũng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 an toàn.

Tại km 19+500 đến km 20+700 qua địa bàn xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, cầu vượt lũ và nền đường hoàn thành 100%; tuyến cống và móng đang được hoàn thiện và đấu nối tuyến giao thông tránh lũ, cứu nạn trước mùa mưa năm nay. Anh Nguyễn Trung Chính, Chỉ huy công trình cho biết “Phân đoạn tuyến đường tránh lũ nối các xã vùng sâu huyện Ba Tơ đến huyện Minh Long đã hoàn thiện và thông tuyến, các hạng mục còn lại hoàn thành trước mùa mưa”.

Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn kéo dài hơn 30km từ xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đến xã Thanh An, huyện Minh Long hoàn thành trục đường chính, các cầu vượt lũ và điểm đấu nối tuyến chính về các xã vùng sâu. Hiện nhiều phân đoạn, trục giao thông của tuyến đường tránh lũ đã được đấu nối với hạ tầng giao thông hiện hữu của các huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi.

Với địa hình hiểm trở, núi cao những đợt mưa lũ lớn thường xuyên gây ách tắt các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ QL 24, 24B, ĐT 628, ĐT 622B… đi qua năm huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Để bảo đảm an toàn cho người dân vùng sâu, vùng trung du, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng công trình Đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi. Công trình cứu hộ, cứu nạn dài 70km, đi qua ba huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà; kết nối năm huyện miền núi Quảng Ngãi với vùng đồng bằng.

Trong tổng số 70km, công trình Đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi đấu nối với hạ tầng giao thông tuyến tỉnh, huyện hiện hữu, đầu tư qua nhiều năm tại địa phương khoảng 38km; đầu tư mới 32km từ huyện Ba Tơ đến huyện Minh Long. Với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, từ năm 2018 đến nay tỉnh Quảng Ngãi đầu tư phân kỳ 32 km Đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi. Các biện pháp thi công được triển khai tối ưu, xử lý kiên cố hoá toàn tuyến, kiên cố hoá ta-luy, vị trí nguy cơ sạt lở triền núi được khắc phục. Xây dựng tuyến giao thông mới ở khu vực vùng núi bảo đảm tránh được lũ, không sạt lở, ách tắt khi mưa lớn; an toàn cho vùng dân cư, người dân thoát nạn khi có sự cố trong mùa lũ.

Sau nhiều nỗ lực, 70km đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng Tây Quảng Ngãi, kéo dài từ huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà và kết nối liên vùng năm huyện miền núi Quảng Ngãi đang khẩn trương hoàn thiện.

“Xã chúng tôi cách xa trung tâm huyện, mùa mưa trước đây không thể đi lại được. Mưa lũ đầu nguồn về thì bị cô lập là bình thường, chờ tiếp tế lên cũng mất vài ngày. Tuyến đường mới cứu hộ cứu nạn này thì không lo chia cắt hay cô lập. An toàn cho bà con và đỡ gánh nặng cho địa phương lắm chứ”, Ông Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch xã Ba Điền, huyện Ba Tơ khẳng định.

Đầu tư hạ tầng giao thông tránh lũ, cứu nạn miền núi Quảng Ngãi -0
Công trình Cầu sông Rin tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà chậm tiến độ do thiếu nguồn đất đá đắp nền đường. Hiện, vướng mắc đã được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Tháo gỡ những vướng mắc kéo dài

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng trọng yếu, phục vụ cho công tác phòng tránh lũ, cứu hộ cứu nạn miền núi như cầu sông Rin, cầu Nước Rạc, đường tránh lũ vùng tây Quảng Ngãi… Mục tiêu của hệ thống hạ tầng giao thông mới là thông tuyến, phục vụ di dời dân các vùng thường xuyên bị lũ quét, sạt lở chia cắt. Đồng thời, giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông qua các trung tâm huyện miền núi, giải quyết kịp thời tình trạng ách tắt giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối Quảng Ngãi với các tỉnh lân cận nếu bị mưa lũ chia cắt.

Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn dở dang do những bất cập, vướng mắc kéo dài. Công trình Cầu sông Rin tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đầu tư tổng chiếu dài tuyến hơn 3,5km; trong đó, cầu sông Rin dài 320m, tuyến giao thông và đường dẫn 3km. Cầu vượt lũ nối hai huyện miền núi Sơn Hà và Sơn Tây phục vụ di dời dân, thông tuyến nếu lũ lớn từ các nhà máy thuỷ điện, hồ chứa thượng nguồn đổ về. Xây dựng đầu năm 2019, đến nay đơn vị thi công đã đạt 77% khối lượng công trình; với các hạng mục chính như lắp dầm cầu, gia cố mái, lan can đổ, hệ thống cống thoát nước… Do thiếu nguồn đất đá đắp nền đường nên thời gian thi công kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Anh Lê Thanh Trung, đại diện đơn vị thi công cho biết, công trình cần khoảng 200.000m3 đất đắp thi công các hạng mục như nền đường, điểm nối cầu với trục giao thông. “Sau nhiều lần kiến nghị địa phương huyện đã bố trí khu vực để lấy đất và cấp phép mỏ đất. Vì vậy, sau nhiều tháng dừng công trình hiện chúng tôi đang thi công trở lại. Dự kiến hoàn thành cuối năm nay”.

Tại công trình cầu Nước Rạc thuộc hệ thống tuyến giao thông tránh lũ ở huyện Sơn Hà cũng chậm tiến độ từ cuối năm 2020 đến nay, đang khẩu trương thi công  trở lại sau khi được tháo gỡ, giải quyết vướng mắc về khối lượng đất đá thi công.

“Chúng tôi cũng trông chờ cầu này xong sớm để đi lại nhanh hơn, rút ngắn hơn 2km đường cũ hiện nay. Nhưng chờ mãi từ cuối năm ngoái đến giờ chưa xong”,  Anh Đinh Văn Thùng cho biết.

Trước những vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến công trình phòng tránh lũ miền núi Quảng Ngãi, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tháo gỡ, giải quyết gấp rút. Sau khi được bố trí khu vực khai thác đất đá phục vụ thi công, các đơn vị khẩn trương thi công đắp đất nền đường các tuyến giao thông đấu nối cầu Sông Rin, cầu Nước Rạc. Đồng thời, vận động người dân trong vùng dự án nhận đền bù, di chuyển đến các khu tái định cư để thi công các hạng mục còn lại.

“Chúng tôi giám sát, đôn đốc các anh em trên công trường  đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong tình hình dịch Covid-19 không làm dàn trải mà cuốn chiếu với các biện pháp an toàn”, Ông Đỗ Tâm Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Đầu tư xây dựng các công trình tránh lũ, cứu hộ cứu nạn miền núi Quảng Ngãi khắc phục tình trạng ách tắt giao thông, cô lập trong mùa mưa lũ; hỗ trợ vùng cao chủ động di dời dân, tiếp cận vùng sạt lở núi khi mưa lũ lớn. Đồng thời, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối phát triển kinh tế xã hội cho miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

“Nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp như mì, gỗ keo của người dân làm ra được thương lái mua cao giá hơn so với trước đây nhờ đường xá thuận lợi. Giao thông mở rộng, thông tuyến giữa các huyện miền núi với đồng bằng thì địa phương chúng tôi phát triển kinh tế hơn nữa”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết chia sẻ.