Theo chương trình dự kiến, sáng 6/6, khởi đầu tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án nói trên. Đây đều là những dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng tính kết nối vùng và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tăng kết nối vùng
Đánh giá về tầm quan trọng của các dự án vành đai và cao tốc trên, đại biểu Hà Quốc Trị (Khánh Hòa) cho rằng, đây đều là các tuyến đường quan trọng, đáp ứng mong muốn của cử tri ở nhiều địa phương chung quanh các khu vực này. Khi xây dựng các tuyến đường này sẽ tạo đột phá quan trọng, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh và tăng kết nối vùng.
“Tới đây Quốc hội sẽ thảo luận và cho chủ trương nhưng tôi nghĩ đây là 1 quyết định đúng đắn, bởi khi có các tuyến đường này, kết nối trục ngang giữa Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ sẽ được tăng cường, tạo động lực phát triển, kết nối vùng, góp phần thúc đẩy giao thông, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đây cũng là mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước”, đại biểu Hà Quốc Trị nhấn mạnh qua trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Theo đại biểu, đây đều các dự án lớn và các địa phương có đường cao tốc đi qua đều đang gặp các khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án giao thông nói chung.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Hà Quốc Trị kiến nghị, trước hết, từng địa phương phải lập các quy hoạch, kế hoạch các vùng khoáng sản, đất, đá… phục vụ cho việc xây dựng các tuyến đường này.
Đối với riêng Khánh Hòa, đại biểu cho biết, ngay khi có các chỉ đạo từ Chính phủ, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể trong đối ứng nguồn vốn phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn, và vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua kế hoạch này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc đầu tư nhanh 2 dự án vành đai của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhấn mạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế, đại biểu cho rằng, đầu tư bảo đảm cho hạ tầng thông suốt cũng là 1 “điểm son” để thúc đẩy, quảng bá và thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh càng có vai trò quan trọng, vì được đặt trong vùng Đông Nam Bộ, với dân số khoảng 18 triệu người nhưng đóng góp 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Khi đầu tư cho dự án này, sẽ giúp thúc đẩy kết nối vùng, đồng thời phát huy được các tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong vùng.
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả xăng, dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng giao thông vùng sẽ giúp chi phí vận chuyển, chi phí lưu thông hàng hóa giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện kiểm soát giá, đại biểu nhấn mạnh.
Suất đầu tư cao nhưng cần thiết
Cùng chung đánh giá, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các dự án này có tầm quan trọng to lớn, mặc dù vốn đầu tư đều cao, riêng suất đầu tư giai đoạn 1 của dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đã là hơn 85 nghìn tỷ đồng, trong khi dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là 75 nghìn tỷ đồng.
"Đầu tư ngân sách lớn như vậy nhưng trước yêu cầu cấp thiết về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối vùng, giảm tải lượng giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cực kỳ quan trọng trong điều kiện hiện nay", đại biểu khẳng định.
Bày tỏ tin tưởng các dự án này sẽ thành công, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chủ trương xã hội hóa trong đầu tư các dự án trên là cần thiết để giảm suất đầu tư của nhà nước xuống. Đây là vấn đề quan trọng và Quốc hội, Chính phủ cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án này, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan huy động vốn đầu tư cho các dự án này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương là cần thiết, bởi đây đều là các dự án kết nối vùng có tầm quan trọng cao, có tác động mạnh đến việc tạo ra các nguồn lực cho các khu vực liền kề.
Do đó, theo đại biểu, cần phải khai thác các nguồn lực đó để tạo ra nguồn vốn cho các tuyến đường này, và việc khai thác này sẽ thuộc trách nhiệm của các địa phương có tuyến đường đi qua để góp vào nguồn vốn đầu tư chung.