Đầu tư đồng bộ các hạng mục trên tuyến cao tốc qua Thanh Hóa

Tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài gần 100 km hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại từ Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay, các đơn vị đang huy động nhân lực, phương tiện, tập trung hoàn thiện các hạng mục để kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công nút giao Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thi công nút giao Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3 này, nút giao Đồng Thắng trên tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 sẽ hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác, kết nối với tuyến đường địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.

Chuẩn bị khai thác nút giao Đồng Thắng

Để từng bước đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, tạo thuận lợi kết nối giữa các huyện Yên Định, Thiệu Hóa với Hoằng Hóa, Hậu Lộc,… với các tuyến đường ven biển, Quốc lộ 10, Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 và đường bộ cao tốc bắc-nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, dịch vụ logistics trong khu vực.

Tỉnh đã lập dự án đầu tư đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 kết nối với nút giao Thiệu Giang (huyện Thiệu Hóa) với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư dự án tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân kết nối với nút giao Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn) với tổng mức đầu tư 3.567 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2023. Việc đầu tư các nút giao đã giúp khu vực thành phố Thanh Hóa và các huyện phía tây của tỉnh dễ dàng kết nối với tuyến cao tốc.

Giám đốc Ban điều hành dự án đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long cho biết, nút giao Đồng Thắng đang được các đơn vị nhà thầu gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục trước ngày 31/3 để đưa vào khai thác. Nút giao Đồng Thắng có tổng mức đầu tư hơn 165,8 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/8/2023. Đến nay, phần cầu vượt nút giao qua tuyến chính đã hoàn thành; nhà thầu đang triển khai thi công hạng mục lan can thép.

Riêng phần đường, các đơn vị đã hoàn thành toàn bộ khối lượng nền, móng các nhánh tại nút giao Đồng Thắng và đang triển khai thi công hoàn thiện lớp mặt đường bê-tông nhựa và mặt bê-tông xi-măng trạm thu phí. Các hạng mục như an toàn giao thông, điện chiếu sáng đang triển khai thi công lắp biển báo, rào chắn, cột điện và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/3 tới.

Theo ông Long, dự án đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 có bảy nút giao liên thông; trong đó, hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng do tỉnh Thanh Hóa đề xuất và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bổ sung để phát huy cao nhất lợi thế tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam. Tuy nhiên, tại thời điểm thông xe dự án vào ngày 30/4/2023, hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng chưa thi công xong nên không thể đưa vào sử dụng đồng thời. “Đây là hai nút giao của giai đoạn hoàn thiện dự án (giai đoạn 2), do còn nguồn vốn dư giải phóng mặt bằng nên tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư trước nhằm kết nối đồng bộ các trục chính giao thông hướng về thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận”, ông Lương Văn Long nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Hiền, chỉ huy thi công hạng mục nút giao Đồng Thắng (Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam) cho biết, tuy khởi công từ tháng 8/2023, song thực tế thi công chỉ hơn 5 tháng, mất khoảng ba tháng không triển khai được do một số yếu tố khách quan như khan hiếm nguồn vật liệu, thời tiết không thuận,… Hiện tại, nhà thầu còn khối lượng thảm bê-tông nhựa khoảng 7.000 tấn, dự kiến trong một tuần thảm xong và hoàn thành trước ngày 30/3.

Xây dựng trạm dừng nghỉ tạm

Thực tế tại các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam vừa đưa vào vận hành, khai thác thời gian qua, ngoài dự án đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, các dự án thành phần khác đều chưa bố trí trạm dừng nghỉ cho người dân dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ, đi vệ sinh hoặc đổ xăng và thực hiện các dịch vụ bảo trì, sửa chữa xe. Các làn dừng khẩn cấp bố trí trên tuyến không cho phép dừng đỗ xe, chỉ được dừng trong trường hợp cần thiết, khẩn cấp. Tuyến đường dài hàng trăm ki-lô-mét nhưng không có trạm dừng nghỉ khiến lái xe và người đi đường không có điểm nghỉ ngơi, gây rất nhiều khó khăn cho người và phương tiện lưu thông.

Trước nhu cầu thực tế của người dân, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Trên tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, ngay từ dịp Tết Dương lịch vừa qua, chủ đầu tư đã cho xây dựng tạm hệ thống nhà vệ sinh ở hai bên tại Km 329+700, đoạn qua địa phận xã Đông Hòa (huyện Đông Sơn) để phục vụ người dân. Các hạng mục phụ trợ của công trình gồm đường lên xuống, các dãy nhà lợp mái tôn phục vụ lái xe nghỉ ngơi ăn lót dạ, có hệ thống điện chiếu sáng, khu nhà vệ sinh nam nữ riêng biệt, bồn rửa tay,…

Tuy chỉ là điểm dừng nghỉ tạm, song mỗi ngày trạm vẫn đón hàng trăm lượt xe tải, xe container và ô-tô du lịch lưu thông hai chiều bắc-nam ghé vào, có thời gian nghỉ ngơi nhằm bảo đảm sức khỏe tốt hơn để tiếp tục hành trình. Theo ông Lương Văn Long, nguồn vốn xây dựng trạm dừng nghỉ tạm được trích một phần từ nguồn ngân sách để san lấp mặt bằng, xây nhà vệ sinh và một số hạng mục khác. Sau này, khi triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức, nhà đầu tư có thể tận dụng được các hạng mục nêu trên.

Về lâu dài, tại địa điểm này, Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt xây dựng dự án trạm dừng nghỉ Km329+700, giá trị sơ bộ gần 200 tỷ đồng. Trong đó, trạm bên phải tuyến có diện tích gần 40.000m2, trạm bên trái tuyến có diện tích hơn 32.400m2. Các hạng mục dự kiến xây dựng gồm: Công trình dịch vụ công, cung cấp các dịch vụ miễn phí (bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu vực trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông,…); công trình dịch vụ thương mại (phục vụ ăn uống, giới thiệu và bán hàng hóa, trạm cấp nhiên liệu, trạm sạc xe điện, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện); công trình bổ trợ là biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ,...

Trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay mới có bảy trạm được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; ba trạm đang triển khai đầu tư xây dựng, còn lại 26 trạm chưa đầu tư. Trong số này, trạm dừng nghỉ có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13 ha mỗi bên; quy mô nhỏ nhất khoảng 2,5 ha mỗi bên.