Đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

NDO - Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán,… là yêu cầu đặt ra nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ của Kiểm toán nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm toán tại Nhà máy xử lý nước Yên Sở. (Ảnh: THANH HÀ)
Kiểm toán tại Nhà máy xử lý nước Yên Sở. (Ảnh: THANH HÀ)

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ban hành Chỉ thị 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã quán triệt, triển khai các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ ở một số nơi, một số đơn vị chưa đáp ứng so với yêu cầu. Còn có biểu hiện công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

Để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ đạo các đơn vị giáo dục chính trị tư tưởng, yêu cầu công chức, viên chức và người lao động nâng cao hơn nữa việc giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và lòng tự tôn nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.

Chỉ thị cũng nêu rõ: Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.

Các đơn vị quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động, việc thực hiện quy tắc ứng xử, bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán. Nếu phát hiện các vị phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo tổng kiểm toán nhà nước để chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc cuộc kiểm toán.

Trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, tùy theo hình thức sẽ xử lý theo quy định về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ thị này và có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.