Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán

NDO - Thiền phái Liễu Quán do Tổ sư Thiệt Diệt Liễu Quán, một vị cao tăng người Việt khai sáng đầu thế kỷ 18 tại đàng trong. Hơn 300 năm qua, thiền phái Liễu Quán tiếp tục phát triển và lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố trong nước cũng như hải ngoại, cùng với các thiền phái khác góp phần quan trọng trong định hình hướng đi của Phật giáo Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Các chư tăng Trưởng lão Hòa thượng Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban, Viện thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn giáo phẩm Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội chứng minh buổi lễ khai mạc.
Các chư tăng Trưởng lão Hòa thượng Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban, Viện thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn giáo phẩm Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội chứng minh buổi lễ khai mạc.

Sáng 31/12, tại Hội trường Hoa Sen - Cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), diễn ra hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển”.

Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi sự kiện tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệt Liễu Quán viên tịch (1742-2023).

Hội thảo do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế đồng tổ chức.

Tham dự và chứng minh lễ khai mạc hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tăng Trưởng lão Ủy viên Ban Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chư tăng Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo các Ban, Viện thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chư tôn giáo phẩm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành trong nước.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 1

Đức Pháp chủ mong rằng, với nhiều thắng duyên, hội thảo sẽ làm sáng tỏ cuộc đời, đạo nghiệp của Ngài, góp phần nhận thức nội hàm giá trị "pháp thân" ẩn trong thông điệp lưu nơi nghi môn bảo tháp Tổ sư Liễu Quán cho hậu thế.

Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình và các ban, ngành liên quan; lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Đại học Huế; lãnh đạo chính quyền các địa phương cùng hơn 500 đại biểu là học giả các giới, các nhân sĩ trí thức, cư sĩ Phật tử trong nước tham dự.

Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ 18 tại đàng trong. Đạo phong và công hạnh của Ngài không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời, từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái do Ngài sáng lập vẫn mãi được “truyền đăng tục diệm”, phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

"Truyền đăng tục diệm, Tổ ấn trùng quang”

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban Tổ chức hội thảo đã khái lược về sự hình thành, truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam từ xưa cho đến nay, trong suốt gần 3 thế kỷ.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 2

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban Tổ chức khai mạc hội thảo.

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, cách đây gần 300 năm, Tổ sư Thiệt Diệu - Liễu Quán đã sáng lập nên một dòng Thiền mới ở Nam Hà - đàng trong đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Nếu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam, thì Thiền phái Liễu Quán là dòng thiền Việt thứ hai của dân tộc.

Đặc biệt, sự truyền thừa của dòng Thiền Liễu Quán đã được liên tục tiếp nối và phát triển theo cùng bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi của đất nước. Cũng từ dòng Thiền nầy, các bậc Tổ sư, cao Tăng, cư sĩ Phật tử đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, nổi bật là phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, hoằng pháp lợi sanh, góp phần tạo nên sự quang huy quốc độ và Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

“Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” được tổ chức với mục tiêu nhằm minh định chính thức về vị thế cũng như nội hàm giá trị đóng góp to lớn của Thiền phái Liễu Quán trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam suốt thời gian gần ba thế kỷ hình thành và phát triển”, Hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết.

“Đây là hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về Thiền phái Liễu Quán. Và đây cũng là dịp để các thế hệ con cháu của Đức Tổ sư từ khắp mọi nơi cùng trở về vun xới những giá trị tâm linh, nối kết tình linh sơn pháp lữ với tâm nguyện "Truyền đăng tục diệm, Tổ ấn trùng quang”, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 3

Phó Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang tuyên đọc thư chúc mừng của Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.

"Bảo đạc trường minh"

Tại lễ khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc Thư chúc mừng của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Theo đó, Đức Pháp chủ đã có lời tán thán ban tổ chức hội thảo và các hoạt động tưởng niệm nhân 281 năm Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch (1742-2023).

Tiếp nối nguồn mạch tâm linh từ các bậc tiền nhân, Ngài làm sống dậy và phát huy tinh thần độc lập tự chủ; khởi sáng Thiền phái Liễu Quán, ảnh hưởng sâu rộng, truyền thừa liên tục 300 năm qua, là điểm son trong truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo nước nhà..

Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng

Đức Pháp chủ nhận định, Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tiếp nối nguồn mạch tâm linh từ các bậc tiền nhân, Ngài làm sống dậy và phát huy tinh thần độc lập tự chủ; khởi sáng Thiền phái Liễu Quán, ảnh hưởng sâu rộng, truyền thừa liên tục 300 năm qua, là điểm son trong truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo nước nhà.

“Lịch sử ghi nhận nhiều tấm gương sống động về phẩm chất đó qua hành trạng của các vị đệ tử - hậu duệ của Tổ sư, điển hình là các bậc chân tu, nhà hoạt động yêu nước thời hiện đại như Ngài Thanh Kế Huệ Đăng (1873-1953) - đời thứ 7, Đại sư Trừng Thanh Thiện Hào (1911-1997) - đời thứ 8 Thiền phái Liễu Quán và nhiều vị khác ở phương Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20.

Chính sự tu hành đắc đạo của Tổ sư Liễu Quán đã đem lại tầm nhìn sâu rộng, có ảnh hưởng với cả giới lãnh đạo cho đến mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ khi thể nhập chân linh mới có năng lực vô quái ngại của hạnh nguyện Bồ tát, thống nhất trong hành động vì đạo pháp và vì dân tộc; làm cách mạng, giúp việc đời với tâm hồn của một người có tôn giáo, lúc hoàn thành trách nhiệm thì trở về với đời sống của nhà tu hành thực sự. Do đó, được mọi người, mọi giới kính trọng, có sức tập hợp quần chúng rất lớn”, Đức Pháp chủ viết.

Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng

Đức Pháp chủ mong rằng, hội thảo khoa học "Thiên phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển", với nhiều thắng duyên, đặc biệt về văn bản học, cùng với sự nhiệt tâm của chư Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, sẽ tiếp cận và làm sáng tỏ không chỉ về cuộc đời mà cả đạo nghiệp của Ngài; góp phần nhận thức nội hàm giá trị "pháp thân" ẩn trong thông điệp lưu nơi nghi môn bảo tháp Tổ sư Liễu Quán cho hậu thế:

Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy;

Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn.

(Chuông báu vang mãi, tợ dòng suối biếc trước cửa chảy hoài chẳng dứt;

Pháp thân hiển lộ, như Ngài đang an nhiên tĩnh tọa trong bảo tháp ngắm núi xanh)

Làm sáng tỏ cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 4

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chúc mừng hội thảo.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chúc mừng đến toàn thể hội thảo và cho rằng, Thiền phái Liễu Quán có một vị trí hết sức đặc biệt trong lịch sử Phật giáo nói chung, lịch sử văn hóa dân tộc nói riêng, nuôi dưỡng và đào tạo ra nhiều bậc danh tăng, đóng góp công lao to lớn cho dân tộc và đạo pháp.

Với việc nghiên cứu, minh định về cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán, sự hình thành, phát triển dòng Thiền mang tên Ngài, hội thảo còn là cơ hội phát huy, lan tỏa di sản quý giá mà Tổ sư Liễu Quán và các đệ tử, hậu duệ đã lưu lại cho đời, từ đó, góp phần vào việc xây dựng phát huy văn hóa Huế nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 5
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tặng lẵng hoa chúc mừng đến hội thảo có ý nghĩa này.

“Đối với dân tộc, Tổ sư Liễu Quán là vị Thiền sư người Việt ưu tú nhất, sáng lập nên dòng Thiền thuần Việt, đó là Thiền phái Liễu Quán, để văn hóa Việt Nam được định hình, để con cháu muôn đời tự hào với bản sắc của văn hoá dân tộc Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Đại diện Ban Trị sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phát biểu chào mừng, nhấn mạnh: Hơn 500 đại biểu là quý vị quan khách, học giả, nhân sĩ trí thức về dự Hội thảo và góp bài tham luận. Đó là những đóng góp quý giá nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến Thiền phái Liễu Quán, một trong những thiền phái Việt Nam, hình thành ngay chính tại vùng đất Huế.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 6

Đông đảo chư tăng cùng các các nhà nghiên cứu, học giả và phật tử các giới ở trong và ngoài nước tham dự tại hội thảo.

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc đạo từ tán thán công đức ban tổ chức hội thảo.

Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự mong muốn thông qua hội thảo lần này, với sự góp sức của đông đảo học giả, nhân sĩ trí thức sẽ góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán và chư Tổ sư thuộc phổ hệ truyền thừa Thiền phái Liễu Quán.

Hội thảo chính thức diễn ra trong hai ngày 31/12 và 1/1 tại cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (tổ 10, khu vực 5, phường An Tây, TP Huế).

Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, hội thảo có 3 diễn đàn chính chia theo các nhóm chủ đề như: “Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, Đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng”; “Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán”; “Kế thừa, phát huy di sản thiền phái Liễu Quán”.

Dấu ấn về cuộc đời, đạo nghiệp và ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán ảnh 7

Chư ni trong các Ban, Viện thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Học viện Phật giáo Việt Nam và các tu viện, chùa, tịnh thất tại Thừa Thiên Huế dự hội thảo.

Theo ban tổ chức, hội thảo nhận được hơn 120 tham luận của các chư vị tăng - ni, các nhà nghiên cứu, học giả ở trong và ngoài nước. Nhiều tham luận tham gia hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin rất giá trị về phương diện lịch sử, có những phát hiện mới, đóng góp vào nhận thức về cuộc đời, đạo nghiệp và những ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán cũng như Thiền phái mang tên Ngài.