Trải nghiệm cuối tuần

Dấu ấn của giao lưu văn hóa trong phố cổ

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã trở thành một trong những điểm tham quan ưa thích của khách du lịch khi đến phố cổ Hà Nội. Đây là nơi thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hóa Đông-Tây.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm).
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm).

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm là một công trình hiếm hoi trong phố cổ có diện tích lên tới 1.670 m2, với nhiều hạng mục kiến trúc khác nhau, tạo nên một chỉnh thể kiến trúc độc đáo.

Nơi đây vốn là Hội quán Quảng Đông. Sự ra đời của Hội quán Quảng Đông phản ánh quá trình giao lưu văn hóa giữa người Việt với người Hoa. Những thế kỷ trước, cộng đồng người Hoa đến làm ăn, buôn bán ở phố cổ khá đông. Tại đây, họ xây dựng Hội quán dành cho những người quê gốc Quảng Đông đến sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

Đây cũng là nơi diễn ra nhiều giao dịch mua bán. Khi cộng đồng người Hoa hòa nhập với cuộc sống người dân phố cổ, di tích Hội quán cũng vì thế trở nên quen thuộc hơn với mọi người.

Kiến trúc Hội quán thể hiện được rõ nét sự hòa quyện giao thoa của văn hóa Đông-Tây, khi công trình sử dụng những mảng, khối bê-tông của phương Tây, nhưng các đường nét trang trí, đặc biệt là điêu khắc lại mang đậm dấu ấn văn hóa Á Đông. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ mặt tiền là một tòa nhà lớn, nhưng bên trong, không gian lại được thiết kế rất thoáng đãng.

Sau cánh cửa, khách tham quan sẽ đi vào sảnh chính của Hội quán. Không gian rất rộng gợi cho người ta cảm giác như đang lạc bước vào một nhà thờ phương Tây. Gian giữa rộng, kéo dài cùng với hai chái hai bên. Hệ thống cửa sổ trong kính ngoài chớp đặc trưng cho kiến trúc Pháp cũng được sử dụng ở hầu hết các hạng mục.

Đáng chú ý, công trình được thiết kế với lối đi dạo rộng rãi ở hai bên. Các tòa nhà bên trong có bố cục hợp thành chữ “khẩu” (miệng), với giếng trời giữa để lấy ánh sáng, lưu thông không khí. Vừa có giếng trời ở giữa, vừa có đường dạo hai bên nên không gian rất thoáng đãng. Sự hài hòa giữa những bức tường, chiếc cửa kiểu phương Tây với những bức phù điêu, những viên ngói ống tạo nên nét đẹp riêng của Hội quán.

Điểm ấn tượng nhất trong trang trí của Hội quán Quảng Đông là những bức tượng, phù điêu bằng gốm được trang trí ở nhiều nơi. Theo đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, những bức tượng và phù điêu bằng gốm này tái hiện lại các câu chuyện trong Tây Du Ký và Tam Quốc diễn nghĩa.

Các bức phù điêu thường đặt ở trên cao. Trong đó, khu vực sảnh chính được bao quanh bởi cả một dải phù điêu gốm ở phía sát trần. Các bức phù điêu được làm tỉ mỉ, cho thấy kỹ thuật chế tác ở trình độ cao. Sự kết hợp giữa hai nét kiến trúc Đông-Tây đã góp phần tạo nên một không gian yên tĩnh, trầm mặc, cổ kính ngay giữa lòng phố cổ tấp nập.

Những năm trước, Hội quán Quảng Đông được trưng dụng làm Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, sau đó trường được xây dựng, chuyển về số 88 phố Hàng Buồm. Di tích Hội quán Quảng Đông được tôn tạo từ cuối năm 2018, hoàn thiện vào cuối năm 2021, trở thành một trung tâm triển lãm nghệ thuật, một địa chỉ tham quan hấp dẫn dành cho khách du lịch khi đến phố cổ Hà Nội.