Dấu ấn chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

NDO - Ngày 30/7, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” năm 2023 được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với người dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Lữ đoàn 955 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho bà con ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Lãnh đạo Lữ đoàn 955 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho bà con ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Phóng viên Báo Nhân Dân ghi nhận những hoạt động làm sâu sắc thêm tình quân-dân như “cá với nước” đang tiếp thêm động lực cho ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Quan tâm chăm lo đời sống ngư dân

Thượng tá Đỗ Văn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 955 cho biết, Chương trình do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ký kết với tỉnh Ninh Thuận từ năm 2019. Theo đó, các đơn vị trực thuộc, cụ thể là Lữ đoàn 955 luôn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ các hoạt động, nên ngày càng củng cố sâu sắc hơn tinh thần đoàn kết quân-ngư dân, đem lại hiệu quả thiết thực, đong đầy giá trị nhân văn tại các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận.

Dấu ấn chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 1

Quân y Lữ đoàn 955 khám bệnh cho người dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Chuỗi các hoạt động lần này, Lữ đoàn 955 đã khám, cấp thuốc miễn phí cho 100 bà con ngư dân; tặng 20 suất quà cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn và con ngư dân vượt khó, học giỏi; trao tặng 150 chiếc áo pháo, 50 chiếc phao tròn, 300 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và cấp phát 100 bộ tài liệu về nội dung “Một số điều cần biết dành cho ngư dân” để ngư dân địa phương cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trên biển đúng quy định pháp luật gắn với bảo vệ môi trường cũng thông tin về vị trí các âu tàu của Hải quân đang phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các tần số thông tin liên lạc để sẵn sàng kết nối, giúp đỡ ngư dân khi hoạt động trên biển.

Dấu ấn chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 2

Cấp phát bộ tài liệu về nội dung “Một số điều cần biết dành cho ngư dân” và hướng dẫn ngư dân cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trên biển đúng quy định pháp luật gắn với bảo vệ môi trường.

Thượng tá Đỗ Văn Sơn nói: “Biển, đảo có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Những năm qua, trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã xây dựng các âu tàu, làng chài và hệ thống bệnh xá tương đối hiện đại, là nơi an toàn cho các tàu cá vào neo đậu, tránh trú bão và sửa chữa hỏng hóc, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm để hoạt động dài ngày trên biển”.

Dấu ấn chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 3

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, đảo, đồng thời xác định rõ chính kiến “Mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ vững ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Ba năm qua, các lực lượng Vùng 4 Hải quân cùng lực lượng chức năng đã cứu kéo, hỗ trợ 1.225 lượt tàu thuyền và 18.375 ngư dân các tỉnh bị nạn trên biển; tổ chức sửa chữa, khắc phục hỏng hóc cho 152 tàu cá; cung cấp 132 tấn lương thực, thực phẩm các loại; điều trị, cấp thuốc cho 931 ngư dân ốm đau, tai nạn trên biển; các ca bệnh nặng đều được vận chuyển vào đất liền bằng tàu và máy bay để cấp cứu, điều trị kịp thời.

Ấn tượng đẹp trong lòng ngư dân

Hơn 40 năm kinh nghiệm với nghề biển, ông Võ Khi ở khu phố 4, phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm rất xúc động khi tiếp đón đoàn cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và lãnh đạo sở, ngành, địa phương đến thăm hỏi từng nhà bà con ngư dân trong khu phố. Ông Võ Khi bộc bạch: “Chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, giúp ngư dân phấn khởi vươn khơi khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bà con luôn ghi nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước”.

Ngư dân Lê Tuấn ở phường Đông Hải chia sẻ: Mỗi khi tàu, thuyền ra khơi gặp phải sóng to, gió lớn trên biển hoặc thời điểm tàu đang khai thác hải sản gặp tai nạn đột ngột, chúng tôi liên hệ với lực lượng Vùng 4 Hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa thì ngay lập tức đều được hỗ trợ kịp thời, nên ngư dân luôn trân trọng những tình cảm sâu sắc, hình ảnh đẹp về chăm lo, giúp đỡ của các bộ, chiến sĩ hải quân và người dân trên huyện đảo Trường Sa.

Vì thế, chúng tôi luôn vững tin thể hiện lòng yêu nước cao độ, quyết tâm bám giữ ngư trường, an tâm vươn khơi khai thác hải sản và góp phần bảo vệ toàn vẹn biển, đảo của Tổ quốc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, khi lực lượng tàu phát triển nhiều (hơn 2.200 tàu), ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã chủ động thành lập các Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển ( từ 3-7 tàu/tổ). Mỗi tàu trong tổ đều được trang bị máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm liên lạc… vừa thuận lợi trong việc cùng nhau khai thác vừa kịp thời hỗ trợ nhau khi tàu của thành viên gặp sự cố trên biển, nên hiệu quả khai thác cũng như mức độ an toàn của ngư dân khi hành nghề ngày càng được nâng lên rất nhiều.

Dấu ấn chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 5

Hướng dẫn ngư dân kỹ thuật sử dụng phao cứu sinh trên biển.

Thượng tá Đỗ Văn Sơn chia sẻ: Thực hiện phương châm “Chủ động đến với ngư dân, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân”, trong thời gian tới, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tiếp tục sát cánh, đồng hành với ngư dân cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng, giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển dài ngày để khai thác có hiệu quả hơn nữa; đồng thời, xác định rõ chính kiến “Mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ vững ngư trường truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn đúng theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.