Dấu ấn cán bộ giao thông vận tải Vĩnh Phúc trong phòng, chống dịch Covid-19

Trải qua hai năm chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, công chức ngành giao thông – vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm cao trên tuyến đầu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 

Cán bộ thanh tra giao thông cùng công an, y tế tại chốt kiểm soát dịch bệnh Xuân Phương (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). (Ảnh: NGUYÊN LƯỢNG)
Cán bộ thanh tra giao thông cùng công an, y tế tại chốt kiểm soát dịch bệnh Xuân Phương (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). (Ảnh: NGUYÊN LƯỢNG)

Trong hai lần dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Vĩnh Phúc, áp lực đối với ngành giao thông - vận tải Vĩnh Phúc rất lớn do phải xử lý nhiều vấn đề mới, phức tạp. Ông Hoàng Long Biên, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vĩnh Phúc nhớ lại, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại cuối tháng 4/2021, Sở ngay lập tức thành lập Tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải hành khách. Đêm ngày 2/5, Sở tổ chức họp thống nhất đưa ra phương án tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng; các phương tiện xe hợp đồng, taxi vẫn được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; các phương tiện có lộ trình đi qua tỉnh Vĩnh Phúc thì không được phép dừng đỗ để đón trả khách. Đến ngày 4/5, Sở chỉ đạo dừng toàn bộ các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe các hạng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Với tinh thần khẩn trương, dịch phát triển tới đâu đề ra biện pháp tới đó, những tháng qua, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành tới hơn 100 văn bản tham mưu, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý của ngành, quản lý hoạt động vận tải, khuyến cáo phân luồng, điều tiết giao thông; cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” cho phương tiện ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Khi các tỉnh đều lập chốt, trạm kiểm soát, rất nhiều vấn đề đặt ra như hàng nào là thiết yếu, hàng nào không thiết yếu, người nào được vào tỉnh, người nào không được vào. Những lúc đó, Sở Giao thông – Vận tải bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải, đồng thời lắng nghe người dân và doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn về đi lại.

Căng thẳng nhất là lúc Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, dịch bùng lên ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Các doanh nghiệp đều phải chuyên chở hàng hóa, vật tư nguyên liệu qua địa phận Hà Nội để tiếp cận các cơ sở sản xuất tại đồng bằng Bắc bộ. Nhiều doanh nghiệp tại Bắc Ninh sử dụng lao động tại Vĩnh Phúc và nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc sử dụng lao động tại Thái Nguyên, Hà Nội. Nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp rất lớn, rất đa dạng trong khi việc bảo đảm an toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Đội ngũ cán bộ, công chức của Sở đều nhận thức rõ, công việc cần kíp, thức trắng đêm cũng phải làm, bởi chậm một ngày doanh nghiệp có thể thiệt hại rất lớn.

Việc cấp thẻ “luồng xanh” cho xe tải có thời điểm “nóng như lửa”. Ba ngày đầu khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, tại các điểm tiếp giáp Vĩnh Phúc với Hà Nội như cầu Xuân Phương (thành phố Phúc Yên) và đường 100 (huyện Bình Xuyên), dòng xe bị ách tắc, nối nhau thành hàng dài. Doanh nghiệp, lái xe bức xúc tranh cãi với lực lượng kiểm soát, gọi điện cho tỉnh, cho lãnh đạo Sở. Đó là thời khắc dồn nén nhất vì ai cũng phải đi, hàng hóa nào cũng thiết yếu. Cán bộ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cũng phải làm việc suốt đêm để cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” theo hướng dẫn của Bộ Giao thông – Vận tải. Sau này nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc cấp mã QR thuận lợi hơn rất nhiều. Đến nay Sở đã cấp hơn 14.000 mã QR, việc cấp mã được thực hiện trên môi trường mạng, bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Sở cũng công khai số điện thoại đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của các tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Lập, một trong các thanh tra viên của Sở được phân công trực chốt, tâm sự: Lực lượng tuyến đầu ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, do đó chúng tôi luôn chấp hành đúng giờ giấc làm việc, cả trong những ngày nắng nóng, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Khi các chốt kiểm soát dịch quá tải, nhất là chốt cầu Xuân Phương, anh em còn phải tìm cách trấn an lái xe, phải kiềm chế khi có những người dân nóng nảy vì phải quay đầu xe.

Dấu ấn cán bộ giao thông vận tải Vĩnh Phúc trong phòng, chống dịch Covid-19 -0
 Các lực lượng tuyến đầu của tỉnh Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Thế Hùng)

Ông Phạm Tuấn Giang, Chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải cho biết, từ khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh vào tháng 4/2021, lúc nào cũng có khoảng 10 thanh tra viên trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Nhiệm vụ chủ yếu của các thanh tra viên là dừng xe để nhân viên y tế đo thân nhiệt. Anh em luân phiên nhau hai tuần một lần vì công việc khá vất vả, ca tối phải làm việc suốt đêm, nhưng mọi người đều chấp hành tốt nhiệm vụ. Thời gian qua, việc lưu thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thông suốt, doanh nghiệp không còn phàn nàn về việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý vận tải cũng gặp những áp lực lớn vì xe chở khách liên tỉnh không được hoạt động, nhưng nhu cầu đi lại của công nhân, chuyên gia rất lớn. Do đó, Sở đề xuất duy trì hoạt động của xe vận tải nội tỉnh, xe hợp đồng chuyên chở công nhân những lúc có thể. Sở cũng thực hiện nhiều công việc đột xuất do lãnh đạo tỉnh giao, như bố trí xe buýt đưa đón miễn phí cho công nhân ở lại tỉnh từ ký túc xá đến nơi làm việc, đưa đón nhân viên y tế. Hiện nay, Sở Giao thông – Vận tải đang đề xuất giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn như ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, cơ cấu lại nợ ngân hàng ... 

Ông Lê Văn Kiên, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Vĩnh Phúc, nhấn mạnh, cán bộ giao thông là lực lượng tuyến đầu, phải chấp hành tuyệt đối nghiêm túc giờ giấc làm việc, bất kể ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với công an, y tế bảo đảm kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Rất mừng là áp lực như thế, nhưng thời gian qua, không có cán bộ nào của ngành vi phạm quy định công tác. Bên cạnh công tác chống dịch, Sở duy trì việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên trong lĩnh vực giao thông, vận tải, như đẩy mạnh thi công các tuyến đường; xây dựng Đề án phát triển hệ thống các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh, Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, công tác thanh tra kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải … Cán bộ, công chức ngành Giao thông – Vận tải tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, góp phần bảo đảm an toàn cho quê hương Vĩnh Phúc.