Đặt trách nhiệm cao nhất trong chăm lo trẻ em

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đề ra, từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã xây mới hơn 12,4 nghìn điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 3,8 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị hơn 2,6 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu nhi Quảng Ninh tham gia các trò chơi trải nghiệm trong chương trình "Ngày hội sắc màu".
Thiếu nhi Quảng Ninh tham gia các trò chơi trải nghiệm trong chương trình "Ngày hội sắc màu".

Đến Trường tiểu học Đông Ngũ 2 (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi các em học sinh tại đây không chỉ học giỏi, chăm ngoan mà còn xuất sắc trong những phong trào do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh phát động như: “Kế hoạch nhỏ”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Vườn rau em chăm”, “Quỹ 1.000 đồng thắp sáng ước mơ”...

Tình thương đặc biệt với “đàn con thơ”

Theo cô Nguyễn Mai Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ngũ 2, dù nhà trường có gần 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối tiểu học của tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, việc duy trì sĩ số cũng như tinh thần học tập của các em được nâng cao rõ rệt. Có được thành quả đó là nhờ nỗ lực không ngừng của Ban Giám hiệu và giáo viên toàn trường, đặc biệt là tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết với nghề của cô Tổng phụ trách Đội Đinh Thị Hợi.

Sinh năm 1987, cô Đinh Thị Hợi có bề dày thành tích đáng nể: 10 năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020; các danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng; “Tổng phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc”, do Hội đồng Đội Trung ương trao tặng...

Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học, cô Đinh Thị Hợi về nhận công tác tại Trường tiểu học Đông Ngũ 1 năm học 2007-2008. Với sự năng nổ, nhiệt huyết trong nghề, cô giáo trẻ được Ban Giám hiệu nhà trường phân công làm Tổng phụ trách Đội từ năm học 2008-2009. Làm quen với công việc mới, lại có tính đặc thù ở một ngôi trường thuộc xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cô Hợi vô cùng bỡ ngỡ. Kỹ năng nghiệp vụ chưa có, cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều, nhưng bằng tình thương yêu đặc biệt với “đàn con thơ”, cô đã nỗ lực vượt qua tất cả.

Đồ dùng học tập, trang thiết bị về công tác Đội chưa có, cô Hợi mày mò tự làm hoặc đi xin lại đồ cũ từ trường khác. Học sinh người dân tộc thiểu số vốn rụt rè, nhưng qua những tiết học ngoại khóa sôi nổi, đầy màu sắc của cô Tổng phụ trách, các em đều nhanh chóng bắt nhịp, mạnh dạn, hoạt bát hơn. Với những học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn, cô Hợi luôn đồng hành, đứng ra vận động các nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em yên tâm tới trường. Sau 10 năm phấn đấu, cô Hợi được phân công công tác về Trường tiểu học Đông Ngũ 2 (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên).

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có gần 16 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng từ 6-15 tuổi. Trong đó, có gần 9 triệu đội viên, hơn 7 triệu thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt tại gần 25 nghìn liên đội trong các trường công lập, ngoài công lập.

Từ khi nhận nhiệm vụ tới nay, cô giáo quê Quảng Ninh đã tổ chức hàng trăm buổi học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục truyền thống về tổ chức Đoàn, Đội, các lực lượng vũ trang cũng như Ngày hội “Thiếu nhi khỏe-Tiến bước lên Đoàn” cho học sinh; tham mưu hàng loạt hoạt động hỗ trợ các em hoàn cảnh khó khăn, vận động ủng hộ xây dựng “Nhà Khăn quàng đỏ”... Qua đó, tạo những sân chơi bổ ích, lành mạnh, lan tỏa tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò tự quản và sáng tạo của đội viên, nhi đồng.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi là một ngày 20/11. Tôi vừa kết thúc công việc và trở về nhà thì nghe tiếng gọi cửa. Đứng trước nhà là một em học sinh cá biệt. Nhưng hôm đó, em rất bẽn lẽn, tay cầm những đóa hoa tự hái, lí nhí nói em tặng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Các Tổng phụ trách Đội thường ít nhận được lời chúc vào ngày này, cho nên tôi lại càng xúc động trước tình cảm chân thành, ngây thơ của cậu học sinh luôn được cho là nghịch ngợm nhất trường”, cô Hợi kể.

Phong trào thi đua sôi nổi

Những tấm gương như cô Đinh Thị Hợi chính là hạt nhân quan trọng, góp phần vẽ lên bức tranh tươi sáng về công tác phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng ở nước ta hiện nay. Từ đó, tổ chức Đoàn các cấp đã nghiên cứu, tập trung đổi mới phương thức triển khai các phong trào, hoạt động nhằm thu hút, tạo điều kiện để thiếu niên, nhi đồng chủ động tham gia.

Nổi bật, có thể kể đến Thành đoàn, Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh, với việc đổi mới hình thức tuyên truyền theo giai đoạn, gắn với bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ, các thiết bị thông minh ngày càng trở nên phổ biến.

Theo Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thu Hà, hiện tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đang sở hữu bộ công cụ tuyên truyền hiệu quả, với trang mạng xã hội “Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh” ghi nhận hơn 110 nghìn lượt thích và trang mạng xã hội “Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh” có hơn 16 nghìn lượt thích. Qua đây, đội ngũ cán bộ Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt sản phẩm truyền thông sáng tạo như infographic, bộ tranh, clip tuyên truyền trực tuyến trên không gian mạng, màn hình tại các siêu thị, xe bus, tòa nhà…

Trong khi đó, Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hải Phòng đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố đưa chỉ tiêu “Xây dựng mới tại mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất một điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi” thành trọng tâm trong hoạt động hè hằng năm; trích kinh phí Quỹ Phòng, chống thiên tai, mua 40 bể bơi phao lắp ghép để trang bị cho các trường học.

Giai đoạn 2018-2022, thành phố Hải Phòng ghi nhận 335 khu vui chơi được xây mới trên địa bàn 217 xã, phường, thị trấn, trong đó nhiều công trình có ý nghĩa sâu sắc, nhân văn đã được chọn đặt tại các bệnh viện, trung tâm y tế, thiết thực phục vụ bệnh nhi. Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Vương Toàn Thu Thủy cho hay: Không chỉ sửa chữa, xây mới, tổ chức Đoàn, Đội của thành phố hoa phượng đỏ còn đặc biệt chú trọng quản lý, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nhằm bảo đảm các khu vui chơi thiếu nhi luôn an toàn, lành mạnh, bổ ích.

Trách nhiệm với công tác chăm lo trẻ em

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có gần 16 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng từ 6-15 tuổi. Trong đó, có gần 9 triệu đội viên, hơn 7 triệu thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt tại gần 25 nghìn liên đội trong các trường công lập, ngoài công lập.

Cuối năm 2017, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra hai chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng: Hỗ trợ, giúp đỡ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng mới tại mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất một điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi (tương đương khoảng hơn 10 nghìn điểm sinh hoạt, vui chơi tính trên cả nước).

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long cho biết: Quán triệt nghị quyết, từ năm 2018 đến nay, tổ chức Đoàn các cấp trên cả nước đã xây mới hơn 12,4 nghìn điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 3,8 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 253% chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn còn tham mưu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ, xây dựng 29 bể bơi kiên cố cho các nhà thiếu nhi cấp tỉnh tại các địa phương khó khăn (đến nay đã xây được 10 bể). Tổ chức Đoàn các cấp cũng huy động nguồn lực hỗ trợ bể bơi thông minh tại các địa bàn khó khăn, có tỷ lệ đuối nước cao; phối hợp xây dựng các bến đò, phà an toàn.

Quán triệt nghị quyết, từ năm 2018 đến nay, tổ chức Đoàn các cấp trên cả nước đã xây mới hơn 12,4 nghìn điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 3,8 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 253% chỉ tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình thiết thực như: “Triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách”; “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”; Ngày hội sắc màu - Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi năm 2021 đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ; “Cùng em học trực tuyến”; “Nối vòng tay thương”… Liên quan đến công tác triển khai thực hiện Luật Trẻ em, các cấp bộ Đoàn đã thành lập Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp tỉnh, thành phố, Câu lạc bộ Quyền trẻ em, Mô hình “Hội đồng trẻ em”; triển khai lấy ý kiến trẻ em về các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, cần thẳng thắn nhìn nhận một số mặt hạn chế, khó khăn trong công tác Đội giai đoạn vừa qua. Đó là việc các phong trào, chương trình hoạt động dù được thường xuyên đổi mới, nhưng sự tiếp cận với các đối tượng thiếu nhi chưa đồng đều; công tác chỉ đạo tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả chưa thường xuyên, bài bản; việc chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đội tại một số địa phương còn bị động, thiếu kịp thời, nhất là trên các nền tảng số. Vì vậy, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hoạt động của tổ chức Đội gặp vướng mắc, khó tiếp cận thiếu nhi.

Cùng với đó, hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã mặc dù đã được củng cố, định hướng nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả ở khu vực ngoài nhà trường; đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác trẻ em còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em. Công tác tham mưu duy trì, phát huy các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí cho thiếu nhi còn nhiều khó khăn, số lượng nhà thiếu nhi cấp tỉnh, huyện giảm dần qua các năm…

Trước những thách thức nêu trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định, giai đoạn tới đây, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố sẽ dồn toàn lực nghiên cứu đổi mới phương thức triển khai các phong trào, chương trình, cuộc vận động theo hướng phù hợp, tiếp cận đa dạng hơn tới từng nhóm tuổi thiếu niên, nhi đồng ở mỗi khu vực, địa bàn.

Cụ thể, tổ chức Đội các cấp sẽ nỗ lực tập trung cụ thể hóa và triển khai chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam-Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”, gắn với phong trào “Nghìn việc tốt”; kiện toàn, xây dựng bộ máy có chuyên môn sâu trong lĩnh vực công tác Đội, công tác trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động thiếu nhi trên địa bàn dân cư, từng bước đưa hoạt động Đội vào các trường ngoài công lập; tăng mạnh tính bền vững trong chăm sóc, hỗ trợ, nâng cao thể chất và tinh thần cho trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; phấn đấu có ít nhất 40 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến về những vấn đề liên quan.