Trong cao trào giải phóng dân tộc, Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì nhấn mạnh chủ trương giương cao ngọn cờ dân tộc, giành cho được độc lập. Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh triệu tập đã đặc biệt chú trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Lợi ích của giai cấp, của bộ phận phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc, nếu không giành được độc lập thì chẳng những dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của giai cấp, bộ phận đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Ðường lối cách mạng đúng đắn đó đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến - một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền toàn quốc. Trở thành Ðảng cầm quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn được Ðảng đặt lên hàng đầu, tất cả vì đoàn kết dân tộc, giữ vững nền độc lập vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 28-8-1945, tại Hà Nội, Ủy ban giải phóng dân tộc do Quốc dân đại hội Tân Trào bầu ra, được chuyển thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số đồng chí lãnh đạo của Ðảng Cộng sản (Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng,...) đã chủ động rút khỏi Chính phủ lâm thời để mời các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Ðó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Ðó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học".
Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nội dung đặc sắc là sự thống nhất giữa quyền dân tộc và quyền con người, vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào. Sáu nhiệm vụ cấp bách do Hồ Chí Minh đề ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945) đã hàm chứa đầy đủ lợi ích dân tộc và quyền của con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chủ trương bầu cử Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp để khẳng định cơ sở hiện thực và pháp lý của Nhà nước cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phải chống giặc ngoài, thù trong, Ðảng Cộng sản phải rút vào hoạt động bí mật. Trong Thông cáo ngày 11-11-1945, Ðảng đã nêu rõ: "Ðể tỏ rằng: những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc"(1).
Dù hoạt động bí mật, Ðảng vẫn nêu cao sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử trước đất nước, dân tộc, lãnh đạo kháng chiến giữ gìn nền độc lập và xây dựng, phát triển đất nước vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, ngày 25-11-1945, Trung ương Ðảng nhấn mạnh nhiệm vụ của chính quyền nhân dân "Chiểu theo tinh thần bản dự thảo hiến pháp mới và nhu cầu của tình thế mà ban hành những sắc lệnh để mang lại ngay những tự do và hạnh phúc thực tế cho nhân dân, trong phạm vi điều kiện cụ thể của hoàn cảnh cho phép"(2).
Chỉ đạo bầu cử Quốc hội, Trung ương Ðảng nêu nguyên tắc và tỷ lệ đại biểu "đảng viên 1/3, người của các đoàn thể trong mặt trận 1/3, người ngoài mặt trận 1/3". Những người cộng sản và Việt Minh "không dùng danh nghĩa đoàn thể mình ra ứng cử để chứng tỏ mình không giành giật ảnh hưởng hay thế lực đảng phái mà chỉ có mục đích cứu nước, và mình trúng cử là vì mình được quốc dân yêu chuộng và tin cậy"(3).
Ðó là tầm nhìn thấu đáo, bản lĩnh và trách nhiệm của Ðảng trước dân tộc, đất nước. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra đúng như thế.
Vì lợi ích thiêng liêng là nền độc lập mới giành được, Ðảng đã đề ra đường lối để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến cứu nước bắt đầu ở Nam Bộ (23-9-1945) và sau này là toàn quốc kháng chiến (20-12-1946). Những chiến sĩ cộng sản luôn đứng ở hàng đầu của sự nghiệp kháng chiến và chấp nhận sự hy sinh. Vì vậy, đã tập hợp, đoàn kết toàn dân chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
Ðặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết bởi điều đó chính là mục tiêu cao cả trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Ðảng Cộng sản. Ðó là sự thống nhất về bản chất giữa mục tiêu tranh đấu của những người cộng sản với chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính. Ðiều đó khiến cho Ðảng Cộng sản và Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là lãnh tụ của toàn dân tộc, được toàn dân tin cậy.
Ðể nhân dân thật sự đặt niềm tin vào Ðảng và chính quyền cách mạng, Ðảng và Hồ Chí Minh dồn hết tâm lực lãnh đạo bảo vệ nền độc lập, đồng thời chăm lo đời sống của nhân dân một cách thiết thực. Ðộc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân gắn bó mật thiết với nhau và quyết định lẫn nhau. Có độc lập, nhân dân, con người mới có quyền sống tự do, hạnh phúc, và chính quyền sống căn bản ấy quyết định giá trị, ý nghĩa của độc lập.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người đòi hỏi các cấp chính quyền phải là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân. "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Cán bộ, đảng viên phải kịp thời sửa chữa những lầm lỗi như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo.
Trong điều kiện Ðảng cầm quyền, có một thực tế là một số cán bộ, đảng viên thiếu ý thức dẫn tới sử dụng quyền lực để mưu lợi ích riêng, trở thành quan cách mạng. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"(4). "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác"(5).
Bài học Ðảng thật sự vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nước, vì dân của Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa sâu sắc về lý luận chính trị và thực tiễn đối với công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Trong công cuộc đổi mới, quan điểm nhất quán của Ðảng Cộng sản Việt Nam là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Lợi ích quốc gia, dân tộc trước hết là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Ðiều đó được bảo đảm bởi đường lối đổi mới đúng đắn và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo thế và lực mới của đất nước. Ðược bảo đảm bởi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự, quốc phòng. Ðược bảo đảm bởi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Lợi ích quốc gia dân tộc là làm cho đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hội nhập quốc tế, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lợi ích quốc gia dân tộc là mọi người dân Việt Nam sống trong đoàn kết yêu thương với mức sống và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, người dân được sống trong an ninh, an toàn của môi trường chính trị xã hội và môi trường tự nhiên. Vị thế đất nước được nâng cao, niềm tự hào, tự tôn dân tộc được bồi đắp khi Việt Nam "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam có quyền tự hào về Ðảng, về đất nước và nhân dân mình, đồng thời cũng thấy rõ hơn trách nhiệm trước đất nước, nhân dân, hành động xứng đáng với trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nói không với tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Dù ở cương vị nào, cấp nào, là người lãnh đạo "Dĩ công vi thượng", được nhân dân và Ðảng tin cậy, đó là điều hạnh phúc.
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, trang 19.
(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, trang 30-31.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, trang 33.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 289.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 290.