Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó cũng là chủ đề chính được thảo luận sôi nổi trong tọa đàm khoa học “Ðào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình VHNT trong các trường đại học đa ngành - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức cuối tháng 10/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự tọa đàm về đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành.
Các đại biểu tham dự tọa đàm về đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành.

Thực tế cho thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình VHNT đã có sự dịch chuyển, thay đổi mang tính tất yếu theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo.

Sự dịch chuyển mang tính tất yếu

Trước đây, việc đào tạo nhân lực lĩnh vực sáng tác và lý luận, phê bình VHNT chủ yếu do các trường đại học chuyên ngành (hệ thống trường nghệ thuật dân sự và quân đội) và trường đại học sư phạm chuyên ngành (trường sư phạm chuyên ngành nghệ thuật) đảm nhiệm. Giờ đây, lĩnh vực này được các trường đại học, cả trong khối công lập và ngoài công lập triển khai xây dựng, tuyển sinh sôi nổi. Ðiển hình có thể kể đến công tác đào tạo về lĩnh vực điện ảnh, thiết kế, sáng tạo… tại Ðại học Quốc gia Hà Nội; nghệ thuật học ở Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; sáng tác và lý luận, phê bình văn học ở một số trường đại học khác…

Tuy nguồn nhân lực chủ yếu vẫn được đào tạo trong các trường chuyên ngành, nhưng thực tế cho thấy, đội ngũ được đào tạo từ các trường đa ngành trong khối đại học đang có sự tham gia tích cực vào thị trường lao động, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía nhà tuyển dụng.

Cùng với đó, việc đào tạo nhân lực trong các trường đa ngành cũng là một khuynh hướng phổ biến trên thế giới. Theo dự đoán của giới chuyên môn, trong những năm tới, khuynh hướng này sẽ tiếp tục phát triển. Hiện nhiều trường đại học đã có những dự án đầu tư lớn cho lĩnh vực đào tạo này, đặc biệt là ở khối tư nhân và khối nước ngoài.

Tuy nguồn nhân lực chủ yếu vẫn được đào tạo trong các trường chuyên ngành, nhưng thực tế cho thấy, đội ngũ được đào tạo từ các trường đa ngành trong khối đại học đang có sự tham gia tích cực vào thị trường lao động, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía nhà tuyển dụng.

Một thí dụ điển hình là Ðại học Quốc gia Hà Nội với 36 đơn vị, trong đó có chín trường đại học thành viên và ba trường/khoa trực thuộc cùng bảy viện nghiên cứu và 16 đơn vị trực thuộc. Các trường, khoa trực thuộc trường và các viện này đã phủ sóng gần như đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần có trong việc đào tạo công nghiệp sáng tạo.

Ðặc biệt Khoa Các khoa học liên ngành với các chương trình cử nhân, như: Quản trị thương hiệu, Quản lý giải trí và sự kiện, Thiết kế sáng tạo (với ba chuyên ngành: đồ họa công nghệ số, nội thất bền vững, thời trang sáng tạo), Nghệ thuật thị giác, Kiến trúc và thiết kế cảnh quan. Dù vậy, có lẽ thách thức lớn ở đây là một số chương trình đào tạo diễn ra lẻ tẻ, phân tán ở các đơn vị thành viên.

TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên cơ sở khảo sát sinh viên và cựu sinh viên trong và sau khi đào tạo, tham khảo ý kiến các chuyên gia để nắm bắt thực tiễn đời sống VHNT cũng như những yêu cầu mới của các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan, các nhà quản lý, các nhà giáo dục tại trường đã có những bước đi mới, từng bước điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng vừa tích hợp các học phần chuyên sâu về văn học, vừa mở rộng chuyên môn để cập nhật, hiện đại hóa tri thức bắt kịp với các xu hướng nghiên cứu mới trong văn học, và bổ sung nhiều học phần về nghệ thuật, văn hóa, sáng tạo, nhất là các học phần có tính liên ngành VHNT, văn học-văn hóa, văn học-nhân học…

Thay vì lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các bài tập thực hành, hiện nay chương trình đã có những học phần có tính hướng nghiệp, hay nói đúng hơn là tích hợp cả kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Tính chất liên ngành thể hiện rõ nét trong khối kiến thức theo lĩnh vực và theo khối ngành nhằm đào tạo một hệ thống kiến thức khá toàn diện. Ðó là nỗ lực đáng kể trong việc vừa phát huy vừa vượt lên trên truyền thống để thích nghi với những yêu cầu mới của xã hội, của sự nghiệp đào tạo.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (Khoa Các khoa học liên ngành, Ðại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi tại tọa đàm: Những bất cập từ đào tạo tới quản lý nặng tính chuyên sâu, chuyên biệt như hiện nay sẽ cản trở sự phát triển của VHNT cũng như quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Những năm gần đây, đã có sự chuyển dịch rõ rệt các giảng viên có trình độ chuyển từ trường nghệ thuật chuyên ngành sang các trường đại học đa ngành.

Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, những ưu thế, ưu việt của các đại học đa ngành không phải là thương hiệu mang tính lịch sử, cơ sở vật chất mà chính là tính hệ thống của tri thức. Không tránh khỏi những khó khăn trước mắt khi xây dựng một thương hiệu giáo dục nghệ thuật, nhưng anh tin rằng, đi theo mô hình này, nhiều trường trong tương lai sẽ có được tầm vóc lớn.

Tập trung vào giải pháp cụ thể

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: Thực tiễn, đời sống VHNT cho thấy không ít người làm nghề đạt được thành tựu trong thực hành, thậm chí, thành tựu ở tầm tinh hoa lại không hề được đào tạo từ hệ thống đào tạo mà ta quen hình dung là “chuyên ngành”. Song, như vậy không đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của các trường chuyên ngành, cũng không thể phủ nhận việc đào tạo một cách có hệ thống là một phần quan trọng để có được nhân lực trong lĩnh vực VHNT.

Ðiều quan trọng là cần chỉ rõ tiềm năng, thách thức và giải pháp khả thi từ những mô hình phi truyền thống để phát huy hiệu quả. Theo đó, sự thay đổi của công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi một lực lượng lao động phải hội tụ đủ: Kiến thức, tư duy, thực hành linh hoạt xuyên ngành, xuyên lĩnh vực.

Trong hàng loạt thách thức đặt ra, cơ sở vật chất là rào cản đầu tiên nhưng không phải là rào cản khó vượt qua nhất. Vấn đề đáng quan tâm đó là năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Hiện tại, chất lượng cán bộ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực VHNT không phải là thế mạnh, lại thêm vấn đề cố hữu và ngày càng có nguy cơ trở nên nghiêm trọng là sự tham gia của đội ngũ này vào đời sống nghệ thuật đương đại và các hoạt động của công nghiệp văn hóa. Thiếu điều này, những nghiên cứu cũng như kiến thức giảng dạy dễ nặng tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, cập nhật.

Bên cạnh đó, để có thể đào tạo còn đòi hỏi một đội ngũ giảng viên là nghệ sĩ thực hành nghệ thuật, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo nhưng còn thiếu những chính sách riêng mang tính đặc thù. Thứ ba là vấn đề tổ chức bộ máy. Các trường đa ngành thường tổ chức theo hình thức đơn vị cấp hai - cấp ba, đồng nghĩa với hệ thống Khoa/Bộ môn với tính “tự trị” về học thuật của bộ môn rất cao. Phương thức này có ưu thế tạo nên những lĩnh vực chuyên sâu nhưng hạn chế thể hiện ở sự ngăn cản tính đa ngành, tạo nên tình trạng xơ cứng, cô lập. Ngoài ra, còn các vấn đề, như: hệ thống học liệu, thiết kế chương trình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch đưa ra một số giải pháp cụ thể. Phía các cơ sở giáo dục, cần phải giải quyết chính sách đầu tư bền vững, hợp lý về cơ sở vật chất; chính sách cán bộ phù hợp; đổi mới phương thức tổ chức theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt, khắc phục tính hạn chế của những đơn vị mang tính học thuật chuyên sâu; chính sách phù hợp trong thiết kế chương trình và chiến lược về hệ thống học liệu. Phía cơ quan quản lý vĩ mô trước hết là sự thừa nhận hệ thống đào tạo mới, từ đó tạo nên sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, nhất là trong việc tiếp cận với những ưu đãi về chính sách của Nhà nước.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý (Khoa Các khoa học liên ngành, Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc đào tạo cho một lĩnh vực đặc thù là điều không dễ rút ra một quy luật chung, song ít nhất tiếp cận một cách phù hợp cũng góp phần vào trách nhiệm tạo dựng một tinh thần sáng tạo cho một thế hệ, dĩ nhiên không thể đột phá mà phải có một quá trình công phu.

Một số điều có thể thực hiện nhằm khiến cho việc đào tạo lực lượng trở nên có hiệu quả hơn, như: Dạy học Ngữ văn ở cấp phổ thông cần phải tư duy liên thông với việc dạy về nhận thức thẩm mỹ và văn hóa; việc đào tạo viết sáng tạo thực tế là dạy cách mở ra những lối suy nghĩ và nhận thức đa dạng, phá vỡ những khuôn sáo, việc đánh giá cũng theo đó cần chú trọng sự sáng tạo, khác biệt...

Ngoài ra, lượng hóa và tổ chức thành các “module” giảng dạy cũng nên được nghiên cứu, điều này đã khá phổ biến trên thế giới nhằm giúp cho người giảng dạy có công cụ thuận lợi, biết cách điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, các nội dung giảng dạy cũng cần cập nhật kiến thức của các chương trình viết sáng tạo trên thế giới, không chỉ là văn bản mà còn nhiều loại hình khác như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật…

Bên cạnh việc cập nhật bắt kịp các xu thế của công nghiệp văn hóa, đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình VHNT cần được phát triển dựa trên nền tảng vững chắc về lịch sử và văn hóa. Ðây chính là yếu tố quan trọng tạo nên một lực lượng lao động của công nghiệp văn hóa và sáng tạo có ý thức dân tộc sâu sắc cũng như có khả năng tạo sản phẩm sáng tạo dựa trên tinh thần cũng như các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Khoa Các khoa học liên ngành, Ðại học Quốc gia Hà Nội)

Bồi đắp, phát triển đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình VHNT trong các trường đại học đa ngành là vấn đề cần thiết, tạo tiền đề cho việc đa dạng hóa nguồn nhân lực của lĩnh vực VHNT, từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập. Những bước dịch chuyển đầu tiên trong xây dựng cũng như đánh giá, nhìn nhận là động lực cần thiết tác động vào lựa chọn, cống hiến của người làm nghề nói riêng và công nghiệp văn hóa, sáng tạo nói chung.