Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Phú Quý, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11/11, Phú Quý phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên là ông N.P., sinh năm 1979, ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, chủ một tàu thu mua hải sản. Ngay sau đó, huyện Phú Quý đã khẩn trương truy vết các trường hợp F1, tiếp tục phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nhiễm là hàng xóm của ông P. và đưa vào khu cách ly điều trị Covid-19. Gửi mẫu vào đất liền để xét nghiệm PCR, cả 3 trường hợp này sau đó được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận (CDC Bình Thuận) xác định là mắc Covid-19.
Ngay trong đêm, huyện Phú Quý đã triển khai lực lượng tiến hành phong tỏa khu vực Gò Mây, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, nơi phát hiện ổ dịch; đồng thời truy vết, xét nghiệm nhanh tất cả các trường hợp F1, F2 và trong khu vực phong tỏa. Qua xét nghiệm nhanh 943 trường hợp, đến trưa 13/11 tiếp tục phát hiện thêm 48 ca nghi nhiễm tập trung ở địa bàn xã Tam Thanh (tập trung chủ yếu ở thôn Triều Dương) và có 2 ca ở xã Ngũ Phụng.
Theo nhận định của huyện Phú Quý, dịch xuất phát từ ổ dịch tại khu sửa chữa tàu thuyền của ông Ðỗ Nhưỡng, thôn Triều Dương, lây lan đến khu vực Gò Mây, thôn Triều Dương, sau đó lan rộng trên địa bàn xã Tam Thanh, vào trong truờng học và đã lây lan sang địa bàn xã Ngũ Phụng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh cho biết, ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cơ quan tạm dừng các cuộc họp, hội nghị chưa cần thiết để tập trung công tác chống dịch.
Huyện đã tiến hành phong tỏa toàn bộ địa bàn xã Tam Thanh; trong đó phong tỏa nghiêm ngặt khu vực ổ dịch tại khu vực sửa chữa tàu thuyền của ông Ðỗ Nhưỡng; thực hiện người cách ly với người, nhà cách ly nhà. Các khu vực còn lại của xã thực hiện nhà ai ở nhà đó, lập các chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào xã không để dịch lây lan sang địa bàn 2 xã còn lại trên đảo.
Tất cả các trường hợp F0 được đưa vào khu điều trị tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện; đưa 46 trường hợp F1 vào khu cách ly y tế tập trung của huyện. Tiến hành kích hoạt khu điều trị 3 tầng tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong thời gian rất dài Phú Quý không có dịch, dễ xuất hiện tư tưởng chủ quan, dẫn đến công tác kiểm soát phòng, chống dịch không chặt chẽ. Với số ca nghi nhiễm tăng nhanh chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, rất có thể dịch đã ủ trước đó từ 1 đến 2 tuần. Trước mắt, căn cứ vào các trường hợp xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính, sẽ xử lý theo quy trình chống dịch, tạm thời khoanh vùng, truy vết…; trường hợp F0 đưa đi điều trị, trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong nhận định, tình hình dịch trên đảo Phú Quý có khả năng đã kéo dài từ 1, 2 tuần trước đó, nhưng khó xác định được nguồn lây; tình hình dịch trên đảo hiện khá phức tạp. Yêu cầu huyện Phú Quý cùng các ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách khẩn trương, quyết liệt với tinh thần thần tốc, triệt để trong vài ngày tới; cố gắng tìm và cách ly các ca F0, phải tiến hành điều tra, truy vết, cách ly chính xác, khẩn trương. Quản lý chặt chẽ người lên đảo từ các tàu hàng và đặc biệt là từ tàu cá đi đánh bắt cập vào đảo; hạn chế tất cả các hoạt động dễ làm lây lan dịch. Các hoạt động phải tiến hành đồng thời, hiệu quả; điều tra, truy vết khoa học, đúng, đủ, không bỏ sót.
Thực hiện phong tỏa, chia nhỏ khu vực không để dịch lây lan; thực hiện lập chốt kiểm soát, chỗ nào có F0 phải khoanh lại, chia nhỏ, thực hiện ai ở đâu ở yên đó cố gắng trong vòng 1 tuần.
Rà soát, tính toán cơ sở thu dung điều trị. Phải tính toán dự phòng có 200 ca F0 trên địa bàn. Khi chưa có nhiều ca mắc Covid-19 thì cố gắng thực hiện giãn cách tối đa không để lây lan, cả trong khu cách ly, khu điều trị. Việc xét nghiệm sàng lọc cộng đồng phải tính toán tình hình dịch tễ và quy mô tình hình dịch tễ khu vực, trước hết, thực hiện toàn bộ xã Tam Thanh; xét nghiệm nhóm lên đảo, về đảo trong vòng 14 ngày hoặc ít nhất 1 tuần, kể cả những người trên các tàu hàng, tàu cá.
Việc quản lý người ra đảo cần phải bố trí người của các tàu cá, tàu hàng ở một khu vực trong cảng hoặc ở trên tàu, khu vực cảng. Bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, tính toán dự phòng trong phương án xấu khi có F0 tăng.
Tạm dừng tất cả các hoạt động, đặc biệt là dịch vụ trong 1 tuần. Các cơ sở sản xuất hoạt động phải bảo đảm an toàn, thực hiện “3 tại chỗ”. Chợ truyền thống phải thực hiện giãn cách diện rộng, cần thiết làm chợ dã chiến. Các hoạt động trong nhà, ngoài trời phải dừng. Buổi tối, tất cả người dân không ra khỏi nhà trừ các hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch, cung cấp lương thực, thực phẩm…Tập trung tiêm vaccine càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Tổ chức thành lập tổ tuần tra kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở xử phạt thực hiện 5K…
Huyện Phú Quý cần phải rà soát, bổ sung hoàn chỉnh lại kịch bản phòng, chống dịch, tính toán trường hợp khi dịch có thể tăng. Xem xét, thực hiện phương án cách ly tại nhà, điều trị tại nhà đối với các trường hợp có đủ điều kiện.
Ngay trong tối 13/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã điều động 16 cán bộ, chiến sĩ; CDC Bình Thuận cử cán bộ, nhân viên cùng các trang thiết bị vật tư y tế phục vụ xét nghiệm điều tra dịch tễ lên tàu ra hỗ trợ huyện đảo Phú Quý.