Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Tôi muốn làm phim ở Việt Nam với dàn diễn viên toàn nữ”

NDO - Ngay sau khi giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes, đạo diễn Trần Anh Hùng đã chia sẻ với báo chí rằng, ông muốn làm phim ở Việt Nam với một dàn diễn viên hoàn toàn là nữ.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2023. (Ảnh: festival-cannes.com)
Đạo diễn Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2023. (Ảnh: festival-cannes.com)

Khi làm phim, anh có mong đợi “Pot au Feu” giành một giải thưởng nào đó tại Cannes không?

Xin thứ lỗi vì sự thẳng thắn của tôi, nhưng mỗi khi bắt tay vào làm phim, tôi thường bị thuyết phục rằng phim đó sẽ rất ăn khách. Tôi luôn nghĩ rằng mọi người sẽ thích bộ phim.

Tại sao anh lại muốn làm một bộ phim về nghệ thuật ẩm thực?

Điều quan trọng với tôi không phải là làm phim về nghệ thuật ẩm thực, mà là sự thử thách khi làm một bộ phim về những gì nghệ thuật ẩm thực biểu đạt.

Thử thách đầu tiên của tôi là làm một bộ phim không giống với những phim khác từng làm. Ý tưởng là đưa ẩm thực vào một câu chuyện tình, và thấy được một người đàn ông và một phụ nữ cùng chung đam mê về nghệ thuật ẩm thực và chung sống với nhau suốt 25 năm từ mối liên kết tinh thần này.

Tại sao anh lại muốn chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Marcel Rouffe?

Khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết, có một vài trang tác giả viết về ẩm thực đã chạm đến cảm xúc và truyền cảm hứng cho tôi. Bộ phim khởi động từ nơi cuốn sách bắt đầu, giống như một phần trước đó.

Nhân vật hư cấu Dodin được yêu mến đến mức đã có một câu lạc bộ ẩm thực được xây dựng lấy cảm hứng từ anh. Thậm chí có một nhà hàng ở Paris đến nay vẫn tổ chức bữa tối với thực đơn mà hoàng tử từng mời Dodin trong cuốn sách. Nhà hàng này cũng chính là một trong những nơi yêu thích của cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand.

Tôi đã thực sự tìm ra điều này khi đọc cuốn sách của Jim Harrison, người từng tham gia vào một trong những bữa ăn để đời này.

Bộ phim của anh chỉ ra rằng, ẩm thực đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và ngoại giao của nước Pháp?

Vâng, ẩm thực giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử và ngoại giao Pháp, đặc biệt là trước Cách mạng Pháp, tất cả các đầu bếp nổi tiếng đều phục vụ cho hoàng tử hoặc nhà vua.

Khi giết chóc xảy ra trong cuộc Cách mạng, tất cả các đầu bếp này đều mất việc. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt nhà hàng và nhà thổ chung quanh Palais-Royal (một khu phố giàu có ở Paris). Mọi người tới đây để thưởng thức sự hài lòng về món ăn và giải trí. Nơi này trở nên thu hút và nổi tiếng khắp thế giới.

Người Pháp được biết đến bởi sự lịch thiệp và tạo ra quan niệm rằng một bữa ăn phải được phục vụ theo đúng trình tự để có được sự hài hòa. Ngay cả Napoléon, người không quan tâm đến ẩm thực, cũng nhận thức được tầm quan trọng của những bữa tiệc trong các cuộc đàm phán ngoại giao.

Đó là lý do ông tặng một tòa dinh thự cho Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord để ông này tìm một đầu bếp, là Antonin Carême, người có thể làm tai mắt cho mình.

Và chính là Auguste Escoffier, sinh ra 13 năm sau khi Antonin Carême qua đời, đã đưa nền ẩm thực Pháp đến kỷ nguyên hiện đại và dẫn đến sự công nghiệp hóa đối với ẩm thực.

Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Tôi muốn làm phim ở Việt Nam với dàn diễn viên toàn nữ” ảnh 1

Cảnh trong phim. (Ảnh: Variety)

“Pot au Feu” tỏa sáng với một trường đoạn dài tới 40 phút mô tả tỉ mỉ quá trình chuẩn bị một bữa ăn. Chưa từng có một cảnh quay nào như vậy, ngay cả với một chương trình ẩm thực?

Mục tiêu rất rõ ràng là để thể hiện những gì chúng ta chưa từng thấy trước đây, và đồng thời, lại là thứ gì đó hết sức bình thường, không hề có thêm thành phần gì đặc biệt cả. Tôi cho rằng nếu quay đoạn này một cách điện ảnh, thì nó sẽ trở nên rất lộng lẫy, như một vở ballet vậy.

Anh xử lý thế nào với nhiều thức ăn đến vậy trong cảnh quay?

Hai cố vấn của chúng tôi trên phim trường là Pierre Gagnaire khá lo lắng và bối rối Michel Naves khi thấy chúng tôi bắt đầu quay các bữa ăn đã được nấu và sau đó là các nguyên liệu.

Chúng tôi đã quay phim rất nhiều thực phẩm. Thí dụ như với món hầm, chúng tôi phải sử dụng khoảng 40 kg thịt.

Các anh làm gì với tất cả những thực phẩm đó?

Chúng tôi ăn hết. Cả đoàn làm phim rất đông. Mà chúng tôi lại có những bữa ăn ngon nhất trên trường quay.

Làm thế nào anh tái hợp được Juliette Binoche với Benoît Magimel, sau ngần ấy năm?

Họ đều là những nghệ sĩ lớn và cực kỳ chuyên nghiệp. Họ nhập vai rất nhanh một cách hết sức trân trọng. Tôi thực sự cảm động khi biết về lịch sử của họ trong đời thực và thấy cách họ thể hiện câu chuyện trên màn ảnh.

Trong suốt quá trình quay phim, có một vài khoảnh khắc rất đáng ngạc nhiên, thí dụ như khi Juliette hôn Dodin (Magimel Benoît) mặc dù cảnh này hoàn toàn không có trong kịch bản. Magimel Benoît đã rất choáng ngợp và đến hỏi tôi rằng, đoạn này không có trong kịch bản phải không?

Hoặc một lúc khác, Magimel Benoît cũng quên mất lời thoại và giãi bày với tôi “Ôi xin lỗi, tôi bị lạc trong mắt cô ấy”.

Anh có một dự án mơ ước nào không?

Tôi mơ ước được làm phim về Đức Phật. Ngài chưa được biết đến nhiều, sẽ rất thú vị nếu làm phim về những di sản tinh thần của Ngài trong suốt 25 thế kỷ, điều đó thật phi thường. Ngài đã đem lại sự chữa lành cho nhiều người và học thuyết của Ngài xứng đáng được biết đến.

Tôi cũng mong muốn được làm một bộ phim về Việt Nam với một dàn diễn viên toàn là nữ.

Đạo diễn Trần Anh Hùng được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2023. Năm 1993, anh cũng đã giành giải Camera d'Or tại Cannes với bộ phim "Mùi đu đủ xanh".