Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc - Cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng

Đạo diễn gạo cội, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc - đã qua đời lúc 18 giờ 30 phút ngày 1/7/2023, hưởng thọ 90 tuổi. Ông đã dừng bước hồng trần sau 70 năm cống hiến trọn vẹn tâm huyết và trí tuệ cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc - Cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc là đại diện tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm điện ảnh đặc biệt xuất sắc của ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển vững chắc nền điện ảnh dân tộc.

NSND Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Năm 1949, khi vừa tròn 15 tuổi, ông đã tòng quân theo cách mạng. Tháng 11/1953, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết định, tại Chiến khu Việt Bắc, người thanh niên chiến sĩ Bùi Đình Hạc chưa tròn 20 tuổi vốn chỉ quen với cây súng suốt 4 năm được tổ chức phân công chuyển sang công tác trong ngành điện ảnh cách mạng - lúc ấy vừa được khai sinh tại Đồi Cọ, An toàn khu (ATK) Thái Nguyên.

Đầy bỡ ngỡ khi “chân ướt chân ráo” làm quen với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, nhưng bằng nỗ lực, tâm huyết và tài năng, chỉ chưa đầy 6 năm sau, bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” do Bùi Đình Hạc vừa làm biên kịch vừa là đạo diễn đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva-1959 dành cho phim tài liệu xuất sắc nhất. Bộ phim được coi như dấu mốc cho sự trưởng thành của ngành điện ảnh tài liệu Việt Nam, cũng là giải thưởng chính thức đầu tiên tại một liên hoan phim quốc tế lớn dành cho nền điện ảnh Việt Nam non trẻ.

“Nước về Bắc Hưng Hải” là một bộ phim lộng lẫy. Tại Liên hoan phim, chúng tôi đã xem gần 70 phim tài liệu, trong đó có 15 bộ phim nói về các công trình kênh đập nhưng tất cả chúng tôi đều nhất trí đánh giá “Nước về Bắc Hưng Hải” là bộ phim hay nhất. Bộ phim Việt Nam được chú ý trước tiên là do có một sắc thái dân tộc rõ nét.

Phim phản ánh quá trình lao động anh dũng của hàng chục nghìn nhân dân Việt Nam đang ra sức làm đổi thay đất nước. Giá trị thứ hai là với một sức mạnh đặc biệt, bộ phim nêu bật được những nét tình cảm và tế nhị của dân tộc Việt Nam...”. Đánh giá này của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moskva-1959, đã xác nhận trình độ và vị trí của phim tài liệu Việt Nam. Và qua thành tựu của bộ phim, thế giới bắt đầu biết đến nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Năm 1973, “Nước về Bắc Hưng Hải” tiếp tục giành Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.

Bộ phim tài liệu “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” (Đạo diễn: Bùi Đình Hạc; Biên kịch: Bành Châu, 1964) tiếp tục khẳng định tài năng đạo diễn của ông với tính chính luận sắc bén, mạnh mẽ và cách sử dụng ngôn ngữ điện ảnh một cách trữ tình, tinh tế - khi giành Huy chương bạc tại Liên hoan phim quốc tế Moskva-1965; sau đó giành tiếp Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất-1970 cho thể loại phim tài liệu.

Ở đoạn kết của bộ phim này, phân cảnh cực kỳ “đắt” là nhà thơ Tố Hữu tự đọc bốn câu thơ của mình: Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử/Có những lời hơn mọi bài ca/Có con người như chân lý sinh ra... đã mang lại cảm xúc sâu sắc, lắng đọng cho người xem.

Tiếp đó, bộ phim truyện “Nguyễn Văn Trỗi” (Đạo diễn: Bùi Đình Hạc-Lý Thái Bảo, 1966) - được xây dựng như một bản anh hùng ca trữ tình về người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi - đã giành Giải thưởng Bông sen vàng cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất. Năm 1971, “Đường về quê mẹ” (Đạo diễn Bùi Đình Hạc) - bộ phim truyện đầu tiên tái hiện cuộc chiến đấu cam go, bi hùng của bộ đội chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến trường Bắc Trung Bộ ra đời.

Bộ phim sau đó đã giành Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai-1973. Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là nghệ sĩ hy hữu lập kỷ lục đặc biệt khi giành giải thưởng cao nhất dành cho đạo diễn điện ảnh cả ở thể loại phim tài liệu và phim truyện tại hai kỳ Liên hoan phim quốc gia liên tiếp (hai Bông sen vàng năm 1970 và hai Bông sen vàng năm 1973), khi mà tuổi đời (36 và 39) và tuổi nghề (17 và 20) đang ở độ chín và phát triển rực rỡ.

Đặc biệt, những tác phẩm phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bùi Đình Hạc làm đạo diễn, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, đã gây được ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình.

Bộ phim tài liệu hai tập “Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin” và “Đường về Tổ quốc” (Biên kịch: Hồng Hà, viết lời bình: Nhà văn Thép Mới) do ông đạo diễn đã giành Giải Bông sen vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm-1980. Thành công của bộ phim mở ra một phong cách sáng tác, thủ pháp nghệ thuật mới không chỉ trong thể loại phim chân dung lãnh tụ mà còn cho cả thể loại phim thể hiện những chặng đường cách mạng, những chiến công hào hùng, những hy sinh bất tử của quân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với đạo diễn Lê Mạnh Thích thực hiện bộ phim tài liệu điện ảnh “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (Biên kịch: Bành Bảo; lời bình: Nguyễn Đình Thi). Bộ phim được đánh giá là tác phẩm phim tài liệu điện ảnh thành công nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được công luận đánh giá cao, trân trọng đón nhận và giành Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tư-1990.

Khi đang giữ trọng trách Cục trưởng Cục Điện ảnh, tình yêu, đam mê và tâm huyết đã khiến NSND Bùi Đình Hạc xin nghỉ quản lý để tiếp tục được làm nghề đạo diễn phim. Năm 1997, ở tuổi 64, ông bắt tay thực hiện bộ phim truyện điện ảnh đề tài sử thi “Hà Nội 12 ngày đêm” (Biên kịch: Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đinh Thiên Phúc); bộ phim thực hiện trong 5 năm, đến năm 2002 mới ra mắt khán giả. Tình yêu điện ảnh, sức sáng tạo, lao động nghệ thuật bền bỉ của ông một lần nữa được ghi nhận khi “Hà Nội 12 ngày đêm” giành Giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14-2004.

NSND Bùi Đình Hạc đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với những tác phẩm điện ảnh phản ánh trung thực những bước đi của lịch sử cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và tính thời sự đã làm nên thành công của những bộ phim tài liệu, phim truyện của ông. Những giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật xuất sắc trong các tác phẩm điện ảnh đầy tính hiện thực của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc đã góp phần tạo nền tảng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam phát triển vững chắc, đồng hành cùng lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Tài năng và những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của ông đã được Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND ngay ở đợt đầu tiên (1984) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt III, 2007) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cùng các giải thưởng quốc tế có giá trị.