Với địa chất, khí hậu đặc thù, đồng thời sở hữu tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước với phần lớn là rừng đặc dụng, Bắc Kạn có nhiều cây dược liệu rất quý, hiếm.
Tháng 8/2023, trên những diện tích rừng phòng hộ ở huyện Ba Bể, người dân và ngành chức năng đã phát hiện loài sâm bản địa (có hình thái giống sâm Ngọc Linh). Loài sâm mới phát hiện này được gọi tên Co Sâm Phja Boóc (theo tiếng dân tộc Tày nghĩa là cây sâm Phja Boóc).
Kết quả phân tích bước đầu cho thấy, đây là một loài sâm mọc tự nhiên dưới tán rừng ẩm, ở độ cao từ 1.200 m, thân thảo, sống nhiều năm, cao khoảng 0,3 m. Loài sâm này có hàm lượng saponin cao và chứa Saponin Rg1, Rb1 đặc trưng tương tự sâm Ngọc Linh.
Sau những kết quả sơ bộ, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị đề xuất nghiên cứu, xây dựng vùng bảo vệ, trồng và chế biến loài sâm mới này. Ðây có thể là một đột phá lớn cho việc đánh thức tiềm năng cây dược liệu ở Bắc Kạn trong thời gian tới.
Trên thực tế, so với những năm trước đây, việc trồng, chế biến cây dược liệu ở Bắc Kạn đã bài bản hơn và mang tính sản xuất hàng hóa. Chúng tôi tới thăm Hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (Na Rì), chứng kiến không khí sản xuất và biết được những kết quả đạt được của đơn vị này.
Theo anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc Hợp tác xã, năm 2014, anh thành lập hợp tác xã và tận dụng toàn bộ đất vườn, đồi của gia đình và liên kết với các hộ dân trồng cây cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen... để cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược.
Nhờ thụ hưởng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, đơn vị đã chế biến sâu, sử dụng, thu mua nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm dưới dạng cao cô đặc, như: cao cà gai leo, cao gắm, hà thủ ô, xạ đen… Hợp tác xã liên kết với 20 hộ dân ở các xã Văn Lang, Sơn Thành, Trần Phú, Cư Lễ… trồng hơn 10 ha cây dược liệu. Doanh thu hằng năm đạt hơn 2 tỷ đồng. Sản phẩm cao cà gai leo và trà túi lọc cà gai leo của đơn vị được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Một số sản phẩm hiện đã đạt OCOP 3 sao.
Nhiều cây dược liệu khá phổ thông nhưng nhờ được sản xuất liên kết, bài bản đã trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn. Tại thành phố Bắc Kạn, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành lựa chọn và gắn bó với trồng, chế biến củ nghệ. Hiện tại, hợp tác xã đã mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 130 ha, liên kết với 400 hộ dân ở thành phố Bắc Kạn và các huyện. Hợp tác xã cung cấp, tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nghệ thái lát, bột nghệ, viên nghệ, tinh nghệ… cho các nhà máy chế biến dược liệu, nhà phân phối, người tiêu dùng trong cả nước. Năm 2023, vùng nguyên liệu nghệ của đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn còn lưu giữ nhiều nguồn gien thực vật quý hiếm có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi...
Việc trồng và chế biến dược liệu thu hút một số cá nhân, tổ chức tham gia, như: Hợp tác xã Hương Ngàn (Bạch Thông) trồng và sản xuất tinh dầu sả, quýt; Hợp tác xã Văn Lang, Hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (huyện Na Rì) trồng, chế biến cây cà gai leo, giảo cổ lam, hà thủ ô, xạ đen, cát sâm... Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn, Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà với các sản phẩm chính từ nghệ đã liên kết vùng sản xuất lên đến vài trăm héc-ta... Một số tiểu vùng trồng, sản xuất, chế biến dược liệu hình thành tại các xã ở Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Ðồn, Chợ Mới.
Tuy nhiên, tại Bắc Kạn, quy mô vùng trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất lạc hậu, thiếu tính liên kết. Các sản phẩm dược liệu chế biến chủ yếu dưới dạng thô, giá trị thấp, chưa cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước. Liên vùng tập trung để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến chưa được hình thành. Nhiều bài thuốc cổ truyền, cây thuốc quý mới chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe ở phạm vi hẹp, chưa có sự liên kết trong trồng, sản xuất, tiêu thụ.
Việc nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học đã có nhưng chưa thương mại hóa thành sản phẩm dược liệu từ các công trình nghiên cứu. Việc nuôi trồng, khai thác, sản xuất dược liệu còn manh mún, tự phát, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên dược liệu quý. Trên địa bàn chưa tạo được cơ sở hạ tầng phát triển, thu mua dược liệu...
Ðể đánh thức tiềm năng dược liệu, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HÐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh trồng được 529 ha dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025.
Nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển vùng dược liệu, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có các chủ thể tham gia sản xuất dược liệu theo chuỗi, từ sơ cấp đến thứ cấp. Hiện có 11 doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất sơ cấp 21 loài dược liệu; 14 đơn vị sản xuất thứ cấp, tham gia chế biến sâu dưới các dạng bào chế, đóng gói. Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải, tỉnh đang triển khai dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại Ba Bể. Mục tiêu là đến năm 2025 xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200 ha; xây dựng nhà máy chế biến tại huyện để đưa việc trồng, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Bắc Kạn sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách linh hoạt, kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu; nghiên cứu, sử dụng, chọn tạo ra giống cho năng suất, chất lượng tốt phù hợp đặc điểm khí hậu, đất đai. Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển dược liệu, đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng khâu sản xuất, phát triển các loại giống bản địa. Sản xuất giống dược liệu nhập nội để tạo nguồn nguyên liệu trong tỉnh bao gồm: actisô, bạch truật, bạc hà, đương quy, tam thất...
Bắc Kạn đặt mục tiêu triển khai bốn vùng trồng dược liệu tập trung, gồm: Tiểu vùng trung tâm; tiểu vùng phía đông; tiểu vùng phía tây; tiểu vùng phía bắc và đông bắc với 26 loài dược liệu. Ðến năm 2025, diện tích dự kiến 545 ha, trong đó, 345 ha trồng theo hình thức thâm canh và 200 ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.600 tấn dược liệu khô.