Chương trình có sự tham dự của đại diện các ban, ngành ở trung ương, Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo chính quyền, nhân dân địa phương và các chuyên gia nông nghiệp, dược liệu Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Huy Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đại Nam, đơn vị được thành lập với 50 ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, liên kết giữa các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Đông Anh, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, hoạt động theo hướng đa năng, đa ngành nghề.
Với sự phối hợp của các chuyên gia trong nước và Hàn Quốc, các dự án được triển khai của Hợp tác xã Đại Nam thời gian tới dự kiến sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Đông Anh. Các thành viên hợp tác xã được cung cấp thông tin, kiến thức khoa học cùng kinh nghiệm tổ chức, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và những hỗ trợ, liên kết giúp phát triển kinh tế hộ gia đình tương xứng tiềm năng.
Trước mắt, Hợp tác xã Đại Nam đã và đang triển khai dự án trồng, bảo tồn các loại cây dược liệu quý của Việt Nam với tổng diện tích gần 6ha đất nông nghiệp, sử dụng hàng trăm lao động tại địa phương. Bên cạnh đó là những dự án huy động các chuyên gia có trình độ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo vùng nguyên liệu, chế biến, sản xuất, cung cấp cho thành phố Hà Nội nguồn thực phẩm sạch, an toàn và chất lượng.
Các đại biểu tại chương trình tọa đàm, giao lưu về bảo tồn cây dược liệu. |
Tại buổi lễ ra mắt đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa, tọa đàm về nông nghiệp và ký kết giữa lãnh đạo Hợp tác xã Đại Nam cùng một số tập đoàn, công ty trong nước và Trung tâm Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc. Các đại biểu đã trao đổi và có những đánh giá cao về các nguồn gen cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam, có giá trị cao trong điều trị và nâng cao sức khỏe con người.
Các đại biểu cũng cho rằng, thực trạng việc trồng và bảo tồn cây dược liệu ở nước ta còn nhiều manh mún, tự phát và cần có sự liên kết giữa các đơn vị, nhà khoa học để nhân giống, trồng, phát triển để tạo nên các vùng dược liệu lớn và việc ra đời của Hợp tác xã Đại Nam đã đáp ứng được yêu cầu với quy trình khép kín từ trồng cho đến sản xuất, chế biến các loại dược liệu và xuất khẩu thời gian tới.