Cuối tháng 8/2023, Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 chính thức khánh thành trong niềm hân hoan của nhân dân Thủ đô trước dịp Quốc khánh 2/9.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; giảm áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường vành đai 3.
Hiện, Hà Nội đã có tám cây cầu kết nối hai bên hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng, bao gồm các cầu: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.
Trong số này, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 và cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hoàn thành năm 2023 là các công trình do thành phố Hà Nội trực tiếp làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện bằng ngân sách thành phố.
Điều này chứng tỏ năng lực, kinh nghiệm, trình độ quản lý của các đơn vị trong nước, là cơ sở để thành phố Hà Nội có thể triển khai thi công các công trình cầu khác bắc qua sông Hồng trong những năm tới như: Cầu Thượng Cát, Vân Phúc, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Hồng Hà, Mễ Sở...
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chỉ là một trong nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm được các ban, ngành của thành phố nỗ lực triển khai thời gian qua nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô theo quy hoạch.
Ngoài ra, còn có các công trình khác như đường vành đai 2 trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng; cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc; đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài... đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Tới đây, một dự án trọng điểm là đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác đoạn trên cao, sẽ cải thiện vận tải hành khách công cộng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, cùng với các dự án đã hoàn thành, Ban đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như hầm chui tại nút giao Giải Phóng-Kim Đồng trên đường vành đai 2,5; tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3; cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai...
Đây đều là các dự án giao thông trọng điểm nhằm từng bước khớp nối các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ của thành phố.
Ngay sau khi khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có vai trò kết nối liên vùng vào tháng 6/2023, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang cùng đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công việc, sớm đưa dự án hoàn thành trước năm 2027.
Một số dự án đã triển khai xây dựng nhưng bị vướng mắc do nhiều nguyên nhân, có thời điểm phải “đắp chiếu” như đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Quốc lộ 1; Quốc lộ 1 cũ; Quốc lộ 6... đã được thành phố tháo gỡ hàng loạt khó khăn.
Với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BT) đang vướng mắc sẽ được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách. Những nút thắt về giải phóng mặt bằng được chỉ đạo giải quyết dứt điểm để dự án tiếp tục triển khai, quy trách nhiệm rõ ràng cho các địa phương nếu không bảo đảm đúng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Nhờ đó, hàng loạt dự án bế tắc nhiều năm như: Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đường nối Nguyễn Xiển-Xa La; đường nối Lê Trọng Tấn-Nguyễn Trãi... đã tìm ra cách khắc phục khi lãnh đạo thành phố lắng nghe, rà soát đưa ra những giải pháp rất cụ thể, đôn đốc thực hiện ngay.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được yêu cầu thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt 50-55%...
Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,35%. Trước mắt, thành phố tiếp tục cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố để đầu tư.
Bên cạnh đó, để bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư cần xây dựng phương án, cần có cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch, bao gồm vốn từ ngân sách; vốn vay ODA; vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng; phát hành trái phiếu; đấu giá đất; kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông thật sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.