Xây dựng nông thôn mới ở huyện ngoại thành Hà Nội

Sau một thời gian triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thường Tín (Hà Nội) đã có nhiều thay đổi. Nhiều mô hình sản xuất gắn với xây dựng NTM, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết, đến nay, trên địa bàn đã có 15 xã đạt chuẩn NTM. Qua việc xây dựng NTM, hệ thống đường trục xã, liên xã đã được trải nhựa, bê-tông hóa đạt 97%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa 83% và đường làng, ngõ xóm là 95%. Bên cạnh đó, hơn 1.000 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đã được đưa vào khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất và giao thương hàng hóa. Hằng năm, các công trình đê điều và thủy lợi trên địa bàn được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, tưới, tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, chăn nuôi, thủy sản. Trong giai đoạn 2010-2016, UBND huyện đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng sửa chữa, xây dựng mới phòng học, phòng chức năng và bổ sung trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác dạy và học. Ngoài ra, qua xây dựng NTM đã đưa tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Để đạt được kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền huyện Thường Tín, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo các cấp và nhân dân về xây dựng NTM có sự thay đổi. Vai trò của người dân đã từng bước được nâng lên, qua đó khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở đã được trang bị thêm kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện.

Nhờ công khai, minh bạch trong quản lý vốn huy động, cho nên không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giảm kinh phí, tạo sự đoàn kết phấn khởi, hưởng ứng của người dân trong việc xây dựng các công trình. Chị Hoàng Thị Nga ở xã Quất Động vui mừng chia sẻ: “Từ khi xã triển khai xây dựng NTM qua việc hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đời sống nhân dân được nâng cao. Hơn nữa đã giúp người dân chúng tôi thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, năng suất, hiệu quả cây trồng được nâng cao. Ngoài ra, đường làng, ngõ xóm được trải nhựa sạch sẽ, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lưu Văn Phúc, việc xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn gặp những khó khăn về chất lượng và thực hiện quy hoạch. Đáng chú ý là việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, các trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; vấn đề môi trường làng nghề trong khu dân cư và việc tuân thủ các quy định cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, hộ gia đình chưa bảo đảm. Các chương trình, mô hình sản xuất nông nghiệp chưa được nhân rộng, dẫn đến thu nhập trên một đơn vị canh tác ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn vốn ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng cao, khả năng đóng góp của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Thường Tín phấn đấu có thêm bốn xã là Tự Nhiên, Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên và Tân Minh hoàn thành xây dựng NTM. Hiện, xã Tân Minh đã đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí, còn ba tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới. Toàn xã đã có 100% trục đường xã, liên xã, trục đường thôn được cứng hóa. 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động; thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 100 ha trồng rau gia vị với mức thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm rau, xã Tân Minh đã thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành chương trình xây dựng NTM, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong công tác xây dựng NTM; đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục, công trình, trong đó ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường… Tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; đầu tư giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuỗi sản xuất áp dụng phương pháp tiên tiến. Đồng thời ưu tiên đầu tư, hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.