Phát triển Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

Với truyền thống đoàn kết và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân các dân tộc, tỉnh Yên Bái đã và đang bám sát, cụ thể hóa các chủ trương lãnh đạo của Trung ương, chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái về chủ đề này.

Đồng chí Đỗ Đức Duy kiểm tra việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.
Đồng chí Đỗ Đức Duy kiểm tra việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Phóng viên (PV): Yên Bái là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đồng chí Bí thư có thể giới thiệu những dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Quá trình nhiều năm phấn đấu, đến nay, Yên Bái đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Yên Bái đạt kết quả nổi bật, toàn diện. Tỉnh có 76 trong 150 xã đạt chuẩn NTM. Ba đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM. Hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh được tập trung đầu tư. Nhiều công trình có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả tích cực. Qua công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ hơn 32% năm 2016 xuống còn hơn 7% năm 2020 (bình quân giảm hơn 5%/năm). Năm 2020 và 2021, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 1.400 hộ, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, với triết lý phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc của người dân là một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Theo đó, Yên Bái đã ban hành kế hoạch, cụ thể hóa từng tiêu chí với những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chỉ số này.

PV: Trong quá trình đó, vấn đề huy động nguồn lực, thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao, giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS được tỉnh giải quyết như thế nào?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Đây là một trong những nội hàm của mục tiêu phát triển “hài hòa” của tỉnh. Những năm qua, tỉnh coi trọng tiếp tục nâng cao dân trí, quan tâm phát triển giáo dục vùng cao, vùng ĐBDTTS. Chúng tôi đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp học nhằm tạo điều kiện tốt nhất và tạo sự bình đẳng về thụ hưởng quyền lợi về giáo dục giữa vùng thấp và vùng cao; huy động nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tỷ lệ chuyên cần của gần 32.000 học sinh dân tộc bán trú, nội trú. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ưu tiên bố trí hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng cao, vùng ĐBDTTS. Bảo đảm tất cả xã vùng cao có đường ô-tô đến trung tâm xã, hơn 70% số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, tất cả xã có trạm y tế và điểm phục vụ bưu chính viễn thông; gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Việc đẩy mạnh số hóa trong quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp được lựa chọn là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh. Yên Bái đã xây dựng và đưa vào vận hành đề án đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, phấn đấu đến năm 2025, cung cấp và sử dụng tất cả dịch vụ hành chính công trực tuyến đạt mức độ 3 trở lên, trong đó có ít nhất 50% đạt mức độ 4; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) thuộc nhóm 10 tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (Papi) thuộc nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Đây là bước tiến dài của tỉnh trong việc nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với các dịch vụ công của Nhà nước.

Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Yên Bái đặc biệt quan tâm việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của con người Yên Bái. Ở đây chính là vấn đề giải phóng tư tưởng, một kinh nghiệm rất quý của tỉnh. Cùng với đó là phát huy vai trò chủ thể, sự vào cuộc tích cực của người dân là nguồn lực to lớn để Yên Bái hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn.

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025; nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc vào năm 2030. Vậy những bước đi trong phát triển của tỉnh giai đoạn này là gì?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Yên Bái có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc. Đó là lợi thế của tỉnh miền núi có độ che phủ rừng lên đến 63% (đứng thứ 4 của cả nước), có sự giao thoa văn hóa đậm đà bản sắc của hơn 30 dân tộc cùng sinh sống… và đặc biệt là truyền thống đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong giai đoạn tới, với quan điểm phát triển hài hòa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, tỉnh quan tâm đến phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch xanh; trong đó, ưu tiên cho phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, với việc xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao, hướng tới là trung tâm chế biến lâm sản của vùng. Phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Yên Bái đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, giáo dục, y tế… để thúc đẩy phát triển hài hòa giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị, cũng như phân bổ các nguồn lực cho phát triển vùng ĐBDTTS.

Với mục tiêu xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, gắn với xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.

PV: Trong quá trình này, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh đặt ra những mục tiêu, yêu cầu gì?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Trước hết, chúng tôi xác định tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm và triển khai thường xuyên, liên tục, hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Chú trọng giáo dục lý luận chính trị, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với đổi mới kinh tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đảng bộ trực thuộc, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới phương pháp, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật đảng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “dân là gốc” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; gắn liền với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!