Cây lúa Hà Tâm trên vùng biên giới

Đến vùng biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai), nhắc đến cái tên bộ đội Hà Tâm (Đại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75-Binh đoàn 15) nhiều người dân đều biết. Cuộc đời binh nghiệp của anh Tâm luôn gắn với vùng đất biên giới, gắn với đồng bào các dân tộc, gắn với cây cao-su, cây lúa. 

Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 (thứ tư, từ trái sang) cùng đoàn công tác tham quan ruộng lúa xen canh ở Đức Cơ, Gia Lai. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 (thứ tư, từ trái sang) cùng đoàn công tác tham quan ruộng lúa xen canh ở Đức Cơ, Gia Lai. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Hơn 35 năm công tác, cũng ngần ấy thời gian anh Hà Tâm luôn bám thôn làng, bám dân, nói dân “ưng cái bụng, sáng cái đầu”, làm dân tin... Cái tên “cây lúa Hà Tâm” cũng bắt đầu từ đó.

Cây lúa tái canh từ mô hình đến hiệu quả

Trong chuyến công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện Đức Cơ, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là hiệu quả của việc bám thôn làng, bám dân, tiếp sức giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống của Công ty 75. Chủ trương của Binh đoàn 15 phát triển mô hình giúp dân trồng lúa trên đất tái canh cây cao-su được đồng chí Trịnh Hà Tâm vận dụng thực hiện rất hiệu quả.

Lúa đã nhiều lại đẹp, người dân không lo thiếu đói, khó khăn trong mùa giáp hạt. Đó là cảm nhận chung của đoàn công tác địa phương khi đến tham quan những cánh đồng lúa trên núi, được cán bộ, công nhân, người lao động Công ty 75 hỗ trợ người dân vùng biên giới huyện Đức Cơ trồng, chăm sóc và đang thu hoạch.

Đại tá Trịnh Hà Tâm giới thiệu với đoàn công tác: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”. Tuy nhiên, do đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên cho nên nhiều hộ vẫn còn khó khăn. Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, vận dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai mô hình giúp dân trồng lúa trên núi, trên đất tái canh cây cao-su.

Khó khăn hiện nay là giá mủ cao-su xuống thấp, người dân lại chưa quen, chưa có kinh nghiệm trồng cây lúa xen canh cho nên có người còn ngại làm. Đất giao, nhiều người không nhận; cho giống cũng không trồng. Không nản chí, anh Tâm đã cùng cán bộ, công nhân Công ty 75 tích cực bám dân, vận động mọi người chuyển đổi phương thức canh tác từ “chặt, đốt, chọc, tỉa” sang trồng lúa trên núi theo hướng trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài; vừa mở rộng diện tích cây trồng, tăng thêm thu nhập cho người dân, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân.

Từ năm 2014, trước thực trạng một số vườn cao-su già cỗi, năng suất thấp, Công ty 75 có chủ trương thanh lý, tái canh. Cùng với việc trồng mới, đơn vị có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương trồng lúa trên 778,28 ha đất tái canh cao-su. Lúa trên đất tái canh được trồng ở giữa luống đất trồng cao-su giống, trong thời gian cây cao-su đang bén rễ phát triển. Ba năm trở lại đây, mô hình trồng lúa trên đất cao-su tái canh của Công ty 75 không chỉ tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở 14 làng trên địa bàn ba xã: Ia Din, IaKrêl và IaKriêng vùng biên giới huyện Đức Cơ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân, góp phần làm thất bại âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Hạt lúa về nhà cái bụng dân no

Ông Rơ MahPeng, già làng Nẻl 2, xã Ia Din, huyện Đức Cơ cho biết: “Làng Nẻl 2 có 137 hộ dân, đa số thanh niên trong làng vào làm công nhân cho Công ty 75. Cuộc sống đồng bào trong thôn giờ đổi thay rất nhiều, không còn hộ đói. 100% trẻ em đến tuổi được đi học. Người dân ốm đau đến bệnh xá quân dân y khám, chữa bệnh. Năm nay mưa thuận gió hòa cho nên cây lúa trồng trên núi của Công ty 75 hỗ trợ cho dân làng rất xanh tốt, được mùa, nhiều hạt. Ba năm qua, có đất bộ đội giúp trồng lúa xen canh cho nên đồng bào trong làng có thêm cái ăn, không lo đói, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên”.

Tiếp xúc với một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ việc giúp dân trồng lúa trên đất tái canh trồng cao-su, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa từ mô hình đem lại. Chị Rơ Châm Biel (37 tuổi) ở IaKriêng (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Từ năm 2016, biết nhà tôi khó khăn, bộ đội Trịnh Hà Tâm đại diện lãnh đạo Công ty 75 đã thăm, tặng quà và còn tạo điều kiện cho tôi trồng lúa trên một héc-ta đất tái canh cây cao-su. Có được hạt lúa để ăn, có lúa để nuôi thêm con gà, con heo, có thêm thu nhập, cuộc sống khá lên. Chỉ biết nói cảm ơn bộ đội thôi”.

Gần dân, giúp dân là bài học lớn từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đại tá Trịnh Hà Tâm vận dụng có hiệu quả vào quá trình công tác. Quá trình vận động đồng bào đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất, gắn bó với quê hương, anh Tâm luôn chịu khó và cần mẫn; đã giúp nhiều người dân biết phát huy lợi thế từ đất, từ cây cao-su, cà-phê để phát triển kinh tế và cũng thuyết phục, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỗi bằng những công việc cụ thể, giản dị, chân thành. Chính những lời anh nói, những việc anh làm khiến mọi người cảm phục. Vợ chồng anh Rơ Mah Tuyên ở thôn Ia Din (huyện Đức Cơ) nói về anh Tâm: “Không có Công ty 75, không có bộ đội Tâm giúp đỡ thì cuộc sống dân làng tôi vẫn còn khổ nhiều lắm. Sự đổi thay này đã có được từ sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của bộ đội và cán bộ Hà Tâm”.

Đánh giá về mô hình giúp dân trồng lúa trên núi, trên đất cao-su tái canh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định khẳng định: “Đây là mô hình rất thiết thực, phù hợp với người dân địa phương. Cây lúa trên núi giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều gia đình giàu lên và ngày càng gắn bó với công ty, với làng quê của mình” ■