Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thời gian qua, thành phố Hải Phòng tích cực triển khai và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các mô hình được thực hiện bài bản, hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và người dân xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng trao đổi kinh nghiệm xử lý rác thải.
Cán bộ và người dân xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng trao đổi kinh nghiệm xử lý rác thải.

Khéo tạo đồng thuận, việc khó mấy cũng thành

Đồng chí Hoàng Hải Bằng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải An chia sẻ: Toàn quận hiện có 98 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình tập trung vào thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm 2024 của tỉnh “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” và chủ đề năm của quận “Tăng cường hiệu quả công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, giải phóng mặt bằng, thu-chi ngân sách và kỷ cương, trách nhiệm”.

Các đảng viên đã tích cực nêu gương, tăng sức thuyết phục trong tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của địa phương.

Đến thăm một số mô hình trong tổng số 19 mô hình của phường Tràng Cát, quận Hải An, chúng tôi ấn tượng mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Phường có diện tích đất tự nhiên hơn 2.783 ha; 2.955 hộ với hơn 11.600 người sinh sống ở bảy tổ dân phố.

Trên địa bàn phường đã và đang triển khai xây dựng nhiều dự án lớn, trọng điểm của thành phố và quận, cần tiến hành thu hồi đất ở và đất nông nghiệp của nhiều hộ dân, như: Dự án nhà ở xã hội (giai đoạn 1); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường liên phường với tuyến đường trong Khu công nghiệp Nam Tràng Cát; dự án đường vành đai 2, đoạn Tân Vũ-Hưng Đạo-đường Bùi Viện,...

Là một trong hơn 400 hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2, đoạn tuyến Tân Vũ-Hưng Đạo-đường Bùi Viện, đồng chí Hoàng Thị Thoa, đảng viên của Chi bộ 6, phường Tràng Cát, chia sẻ: Với tinh thần đảng viên đi trước, tôi đã hiến 410 m2 đất của gia đình mình và tin tưởng dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án này nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khung đô thị của thành phố. Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ phân luồng xe container, giảm ùn tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường trong khu vực trung tâm, rút ngắn hành trình, thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách từ cụm cảng Hải Phòng đi các tỉnh.

Cũng gương mẫu chấp hành nhận hỗ trợ đền bù và bàn giao đất để phục vụ dự án của thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Nền, Bí thư Chi bộ 6, phường Tràng Cát cho biết: Ở Tràng Cát, mỗi khi có dự án được triển khai, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường đều họp bàn, thống nhất phương pháp triển khai, cách thức tuyên truyền, vận động, đồng thời chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và chi bộ các khu dân cư tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các hộ gia đình và từng người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án.

Đảng ủy đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, tạo sự đồng thuận cao của người dân đối với công tác giải phóng mặt bằng. Những trường hợp người dân chưa đồng tình, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường tổ chức tốt các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; đồng thời khẩn trương tham mưu với Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, phối hợp các ngành chức năng kiên trì vận động, quan tâm giải quyết những khúc mắc, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Với những giải pháp này, công tác kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của các dự án được thông suốt.

Còn ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, giao thông từ trung tâm xã đến các trục thôn, xóm đều khang trang, sạch đẹp, có đèn chiếu sáng, được lắp camera an ninh. Nhiều tuyến đường rộng từ 7 đến 12m, hai bên đường có vỉa hè rộng từ 1 đến 2,5m, được lát gạch sạch đẹp. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, mô hình vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp được xã triển khai từ tháng 5/2024, bước đầu đem lại nhiều kết quả.

Để mở rộng gần 10 km đường giao thông nông thôn, 337 hộ có công trình vật kiến trúc đã tự nguyện tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong đó, có 226 hộ có tường bao với tổng chiều dài là 1.837m, 111 hộ có cổng và công trình lán tạm, 43 hộ tự nguyện hiến 1.199 m2 đất.

Tích cực phát huy vai trò của nhân dân

Hải Phòng hiện có 2.310 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, các mô hình đã thu hút đông đảo người dân tham gia thực hiện những nhiệm vụ của địa phương, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng đường giao thông nông thôn, ngõ phố, tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường, liên kết phát triển kinh tế, cải cách hành chính,…

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy là một trong những mô hình điển hình của thành phố. Đồng chí Đỗ Đức Úy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hà trao đổi: Trước đây, người dân thường có thói quen đốt hoặc đổ rác lẫn lộn, bừa bãi, gây khó khăn cho việc thu gom rác thải tập trung, làm ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan công cộng.

Từ thực tế này, Đảng ủy xã đã tập trung triển khai thực hiện mô hình “Phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh”. Xã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp bách phải bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của cộng đồng dân cư và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.

Xã cung cấp thùng rác phân loại cho từng gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc người dân thực hiện phân loại rác; khuyến khích xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh nhằm giảm lượng rác thải phải vận chuyển, tạo nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Bác Vũ Nhân Sơn ở thôn Cao Tiến, xã Đại Hà phấn khởi: Từ khi triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, không khí trong lành hơn, không còn mùi hôi thối nữa, các tuyến đường trong thôn, trong xã sạch sẽ, bãi rác tập trung không còn tình trạng bị quá tải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Hà Phạm Đức Tô cho biết, khi mới triển khai mô hình, tỷ lệ cán bộ và nhân dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh còn thấp; trung bình mỗi tháng có 255 m3 rác thải phải vận chuyển về bãi rác tập trung của thành phố.

Hằng tháng, xã phải chi trung bình từ 36 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng để xử lý rác thải. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải đã được các gia đình và các cơ sở sản xuất trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, giúp giảm đáng kể khối lượng rác phải chôn lấp, giảm chi phí vận chuyển và giảm ô nhiễm môi trường.

Thực tế công tác dân vận, phong trào thi đua dân vận khéo ở thành phố Hải Phòng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Theo đánh giá của Thành ủy Hải Phòng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, chưa quyết liệt.

Nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, cá biệt còn coi công tác dân vận là trách nhiệm của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Vai trò chủ động trong công tác tham mưu chỉ đạo công tác dân vận của một số ban dân vận cấp ủy chưa cao. Công tác phối hợp trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ.

Thời gian tới, Thành ủy Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục các mặt còn bất cập, hạn chế.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong hoạt động quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực; phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.