Dân có tin, Đảng mới cử

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin rồi Ðảng mới cử”. Qua thực tiễn đã khẳng định, đội ngũ này phát huy được vai trò nòng cốt trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đồng thời phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, trở thành cầu nối giữa Ðảng với nhân dân.

Bầu cử chức danh Trưởng khu phố Nam Tiến, phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Bầu cử chức danh Trưởng khu phố Nam Tiến, phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, Tỉnh ủy Quảng Ninh sớm xây dựng Ðề án “Ðổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, đồng thời ngày 3/3/2015 ra Nghị quyết số 19-NQ/TU chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở và đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục.

Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2017-2020. Ðây được coi là “kim chỉ nam” cho phương thức “Dân tin rồi Ðảng mới cử” với yêu cầu lựa chọn những đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.

Cấp ủy các cấp đã chủ động kết nạp vào Ðảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, bản, khu phố; đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ, để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thực hiện quy trình Ðảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố, sau đó cấp ủy giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ; các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, bản, khu phố đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên. Trên cơ sở sự tín nhiệm đối với đảng viên được tổ chức đảng giới thiệu để bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố; chi bộ tiến hành đại hội chi bộ bầu làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Ðồng chí Vũ Ngọc Nhiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 4, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long chia sẻ: Tôi được nhân dân tín nhiệm bầu hai khóa làm Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố. Ðây là vinh dự song cũng là trách nhiệm lớn lao trước sự tin yêu của nhân dân. Ðược gắn bó mật thiết cùng nhân dân trong khu phố đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động của chi bộ, nhất là trong xây dựng nghị quyết của chi bộ sát với những vấn đề mà thực tiễn ở khu phố đang đặt ra, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc gây bức xúc trên địa bàn.

Không chỉ ở những khu phố, mà cả ở vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố thật sự phát huy vai trò nòng cốt. Họ không chỉ là những cán bộ “miệng nói, tay làm” mà còn là “đầu tàu” gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Nhiều vùng miền núi, trước đây nghèo nàn, lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, nay đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phai Lầu, xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu Chìu Văn Phúc chia sẻ: Phai Lầu là địa bàn biên giới của xã Ðồng Văn với 100% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn thời điểm trước năm 2015 hơn 30%, người dân ở đây chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, thậm chí nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Với phương châm “đảng viên đi trước” tôi luôn trăn trở phải nghĩ trước, làm trước, khi thành công, người dân trong bản sẽ mạnh dạn làm theo. Bằng kiến thức được học, tôi đã nghiên cứu, học tập các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh. Sau đó, thấy mô hình nào hay, phù hợp với thế mạnh của địa phương tôi cùng với các đồng chí trong chi ủy bàn bạc đưa ra thảo luận ở chi bộ, rồi đưa ra họp dân để tuyên truyền cho người dân trong bản học và làm theo, nhờ thế đời sống, sinh hoạt của người dân trong bản ngày càng được nâng lên.

Chỉ thị 12-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc trực tiếp bầu chọn người có phẩm chất chính trị và đạo đức, có trách nhiệm, tâm huyết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, điều hành thực hiện nhiệm vụ trong cộng đồng dân cư và nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Xây dựng mối liên hệ với nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Ðảng ta coi trọng.

Ðây là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Bài học lớn rút ra từ thực tiễn là trong điều kiện Ðảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng và nhân dân. Thực tế ở Quảng Ninh, Tỉnh ủy đã tổ chức việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên do tổ chức đảng giới thiệu, theo quy trình nhân sự “Dân tin-Ðảng cử”.

Nhìn lại kết quả thực hiện mô hình nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin-Ðảng cử” thời gian qua tại Quảng Ninh đã góp phần quan trọng thực hiện tinh gọn bộ máy. Năm 2015, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn trong toàn tỉnh là 12.549 người, đến hết năm 2017, giảm chỉ còn 11.688 người và đến tháng 3/2022 chỉ còn 3.086 người. Ðặc biệt, mô hình này đã khắc phục tính khô cứng, khiên cưỡng trong sinh hoạt chi bộ của mô hình phân tách bí thư và trưởng thôn; làm cho sinh hoạt chi bộ ngày càng mang hơi thở cuộc sống.

Mô hình này góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng ở cơ sở, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, chính quyền. 5 năm liên tiếp (2017-2021), tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn đứng đầu cả nước trong nhiều năm.

Trong hai năm 2020 và 2021, trước tác động của dịch Covid-19, mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” và sáng tạo xây dựng mô hình “tổ công tác tự quản tại thôn, bản, tổ dân cư, khu phố” theo phương châm “ba trước, bốn tại chỗ” hiệu quả đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng, điển hình trong cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số.

Ðến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với việc lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân tin rồi Ðảng mới cử”. Mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” thành công không chỉ bởi đi trúng vấn đề xây dựng Ðảng từ cơ sở mà quan trọng là cách làm rất bài bản, khoa học.