Đam Rông ngày mới

Mặt trời lên từ dãy núi xa. Dòng xe máy, ô-tô tấp nập trên cung đường nhựa thênh thênh giữa trung tâm huyện; những quán ăn, cà-phê sáng đã nhộn nhịp. Trên các ngả đường, người lên nương, người đến công sở, học sinh cười nói đến trường… huyên náo vùng quê bên dòng Krông Nô huyền thoại. Ngày mới ở Đam Rông bây giờ là thế, không còn cảnh thâm u, đỏ quánh mầu đất bazan mịt mù. Xứ "nghèo chồng nghèo" một thuở đã bừng sinh khí.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Khu vực trung tâm huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Theo Quốc lộ 27, Đam Rông cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 100 cây số. Cách đây khoảng mươi, mười lăm năm, khi nghe nói "đi Đam Rông" nhiều người lại giật mình, bởi ám ảnh những cung đường bùn nhầy nhụa; hoặc phải len lỏi băng rừng. Ngày đó, huyện nghèo "30a" này hầu như "không có gì", các dịch vụ ăn uống, giải trí là điều xa xỉ. Hôm nay, xứ hoang vu, nghèo khó đã vươn lên mạnh mẽ và đang quyết tâm để cán đích huyện nông thôn mới.

Xứ "nghèo chồng nghèo" một thuở

Huyện Đam Rông thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập ba xã nghèo phía tây của huyện Lạc Dương, gọi là vùng Đầm Ròn và năm xã được liệt vào danh sách khó khăn của huyện Lâm Hà. Bởi thế, nên nhiều người ví Đam Rông là sự kết hợp của hai cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn.

Ngày mới thành lập, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số hơn 93% và tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến ba phần tư dân số, thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 2,6 triệu đồng/năm; cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu… và được "kê" vào danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, trong Chương trình 30a của Chính phủ.

Bên ly cà-phê sáng trước giờ đến công sở, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, người con bản xứ ở vùng đất dưới chân dãy Lâm Bur, kể: "Ngày mới thành lập, Đam Rông là huyện khó khăn nhất, đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất tỉnh Lâm Đồng. Nền tảng, xuất phát điểm của huyện rất thấp. Xưa bạn đến và hôm nay, chắc chắn có chút xao xuyến bởi sự đổi thay của xứ này".

Tôi đã từng vã mồ hôi theo những chuyến xe máy bánh quấn xích của bưu tá trên những tuyến đường thư về Đam Rông và từng gạt lau lách, băng rừng cùng bưu tá, Anh hùng Lao động Ha K’Riêng đến với ba xã "ốc đảo" Đầm Ròn, nay là xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’Rông của huyện Đam Rông.

Hơn 13 năm ròng rã, tổng quãng đường quy đổi, Ha K’Riêng đã đi gần bốn vòng trái đất để đưa công văn, thư, báo đến với vùng đất nghèo khó này. Kể lại để thấy ông Ha Hai nói đúng, lục lại ký ức xưa để so với Đam Rông hôm nay ai cũng thấy bồi hồi, xúc động.

Liêng Krắc trong tiếng của đồng bào M’Nông là nơi thác nước có những hòn đá cứng. Có lẽ, đó cũng là ý chí, niềm tin vững chắc của người Đam Rông về sự đổi thay của vùng đất quê hương. Trên cung đường nhựa chạy về buôn Liêng Krắc 1, xã Đạ M’Rông, mầu xanh của cây dâu tằm, cà-phê phủ tràn đồi núi.

Trong ngôi nhà truyền thống, già làng Ha Bông đang trò chuyện với bà con buôn làng, những câu chuyện về xóa bỏ hủ tục, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới rôm rả. Già mở lời: "Xưa, vùng này nghèo khó lắm, toàn nhà lồ ô thôi, nghèo đói quanh năm. Giờ, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, cùng với tư duy làm ăn mới của người dân, đời sống đã khá lên nhiều rồi, đã có nhà kiên cố, không còn chuyện đói nữa".

Những tia nắng dần khuất phía núi xa, buôn Phi Rút, xã Đạ R’sal nhòa khói lam chiều. Trên cung đường nhựa chạy về phía dòng Krông Nô, những chuyến xe đầy ắp cây trái kĩu kịt về buôn. Buôn Phi Rút có hơn 150 hộ, là người dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Trong ngôi nhà truyền thống, già làng Ha Siêng đang vui cùng con cháu, già bảo: "Chuyện xưa à, khó lắm, không kể hết đâu. Giờ thì khác rồi…". Quả thực, nhắc đến chuyện xưa, ký ức của những người già tại các buôn làng Đam Rông vẫn luôn ám ảnh cảnh du canh, du cư; cuộc sống của những người con bản xứ cứ phiêu bạt qua những triền đồi nam Tây Nguyên. Chuyện đói ăn, thiếu mặc, mù chữ ở xứ này như là sự hiển nhiên.

Nhớ lại câu chuyện cùng ông Ha Hai trong cữ cà-phê sáng: "Nói thật, xưa dân mình cơ cực lắm. Những năm mới thành lập, bà con cứ kéo đến huyện xin trợ cấp hoài. Nhiều lần thành quen, nên huyện phải tìm cách để thay đổi tính ỷ lại của bà con. Huyện chỉ cấp "cần câu", tạo sinh kế để người dân phát triển kinh tế". Chủ trương đúng, triển khai tốt, cùng với ý chí vươn lên của người dân, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Đam Rông đã ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a như một kỳ tích.

Khát vọng đổi thay

Đam Rông không nằm trong danh sách "huyện 30a" nữa, đó là nhờ nỗ lực và quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, cùng sự tiếp sức của các cấp, các ngành. "Câu chuyện ngôn ngữ thì chúng tôi không còn huyện nghèo nữa, mặc dù hộ nghèo còn 19,3%, so với mặt bằng chung của tỉnh thì vẫn là con số khá lớn.

Nhưng giờ chúng tôi không nhắc chuyện nghèo nữa. Phải khẳng định không nghèo nữa để nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn để phát triển. Nếu lãnh đạo huyện, xã mà nói đến nghèo thì bà con lại nói mình nghèo, lại sinh ra tư tưởng trông chờ ỷ lại", ông Ha Hai khảng khái.

Đam Rông, theo cắt nghĩa của đồng bào M’Nông là "chàng trai nuôi, chàng trai tốt bụng". Xưa, chàng trai này là một thủ lĩnh trong vùng, có đủ điều kiện về kinh tế, tiềm lực để giúp đỡ, nuôi nấng những người yếu thế trong cộng đồng. Và vùng đất này đã mang ơn chàng trai ấy. "Đó là hình ảnh đẹp của tên một vùng đất. Ngày mới thành lập, Đam Rông được hưởng Chương trình 30a của Chính phủ, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và của các mạnh thường quân, vùng đất khó đã chuyển mình như hôm nay", ông Ha Hai bày tỏ.

Người con của xứ "chàng trai nuôi" kể tiếp, xưa, thấy xe máy, trong suy nghĩ và tâm lý của người dân tộc thiểu số nơi đây đó là của người Kinh và không nghĩ là mình sẽ được đi, được ngồi. Rồi thấy cái nhà xây, bà con nghĩ đây phải là nhà của người cao nhất trong các tầng lớp xã hội. "Giờ anh thấy đó, bà con đã ở nhà xây, bon bon xe máy, nhiều nhà đã sắm ô-tô đi chơi, đi làm", ông Ha Hai trải lòng.

Huyện Đam Rông có tám xã, 53 thôn; dân số hơn 56 nghìn người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 65%, gồm đồng bào gốc Tây Nguyên là Cơ Ho, M’Nông, Mạ và đồng bào các tỉnh phía Bắc di cư. Cán bộ huyện, xã phần lớn được tăng cường từ các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt...

Nhiều người đã chọn vùng đất mới Đam Rông để sinh cơ, lập nghiệp và gắn bó lâu dài. Ngày mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3/4 dân số; nay GRDP bình quân đạt 63 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 43 triệu đồng, tăng gấp 18,4 lần so với năm 2005 và đặc biệt, Đam Rông không còn trong danh sách huyện nghèo của cả nước nữa.

Đam Rông đã một lần lỡ hẹn trong "cuộc đua" để thoát ra khỏi bản danh sách huyện nghèo. Nay, vùng đất gian khó đã chuyển mình, khi biết tận dụng các thế mạnh, tiềm năng của địa phương trên hành trình phát triển. Tư duy lao động sản xuất đã thay đổi rất lớn để phát triển kinh tế, chuyện giao thương, mua bán hàng hóa đã trở thành bình thường, không còn xa lạ nữa.

Hôm nay về Đam Rông, sẽ được nghe kể chuyện của chàng Jơ Jê Ha Mi, người đầu tiên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đạ Tông, tiên phong mở lối trồng rau thương phẩm, vượt qua thói quen "rau rừng, đọt mây" và nương nhờ lộc rừng.

Được nghe chuyện Bí thư Chi đoàn thôn Liêng Rắc 1 Ndu Ha Eo chuyển hướng "trồng dâu, nuôi tằm" và triển khai mô hình cho bà con buôn làng, để giờ đây họ không còn ám ảnh "con sâu tằm" nữa, hiệu quả lại gấp ba, bốn lần trồng cà-phê. Đến Rô Men để nghe anh Huỳnh Ngọc Thu kể chuyện nuôi con cá tầm mang lại tiền tỷ, để nghe nữ tỷ phú "nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023" Nguyễn Phương Bắc kể chuyện cây dược liệu và khơi nguồn phát triển du lịch "suối nguồn Rô Men". Đến vùng "ốc đảo" một thời để đắm đuối trong "rừng nhiệt đới" của Zen Cafe Countryside Đạ Long và nghe chủ nhân Lê Mai Dung kể chuyện gây dựng hệ sinh thái buôn làng…

Xứ "mây ấp núi" sẽ sáng tươi

"Thị trấn" Bằng Lăng, trung tâm huyện Đam Rông đã lên đèn. Gọi là thị trấn, nhưng đó mới là tên gọi trên bản quy hoạch đến năm 2025. Dọc cung đường trung tâm thấy rõ các dịch vụ vui chơi giải trí đã hình thành như phố thị… Vít cong cần rượu hương nồng M’Nông cùng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Liêng Hót Ha Hai, ông phác thảo: Miền đất phía thượng nguồn Krông Nô này có nền văn hóa đa sắc, phong phú, với nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của người Cơ Ho, M’Nông, Tày, Nùng, Mông; những bản trường ca M’Nông lãng mạn; nơi có nhiều thác nước hùng vĩ, như Tình Tang, Bảy Tầng, thác Nếp, suối nước mát Rô Men, suối nước nóng Đạ Long... Đó là tiềm năng khai mở du lịch Đam Rông. Cùng với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu và tư duy đổi mới, tin rằng Đam Rông sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Xưa, người Cơ Ho, M’Nông khi cái chân không còn muốn đi, họ dừng lại bên những vùng đất bằng để xây dựng buôn làng. Ngày đó đến mãi sau này, ngược xuôi Đam Rông gặp toàn rừng le, lồ ô. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, cây le, lồ ô dần được thay thế bởi những loại cây trồng năng suất, chất lượng cao và đời sống nhân dân đã thay đổi rõ nét.

Hiện diện tích cây ăn quả toàn huyện hơn 2.318 ha, cây dâu tằm hơn 709 ha, mắc ca là 1.582 ha. Toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP, gồm hai sản phẩm bốn sao, còn lại ba sao; là vùng phát triển cá tầm lớn nhất ở Tây Nguyên, với hơn 175 ha mặt nước, chủ yếu nuôi cá nước lạnh... Đây là kết quả của việc chuyển đổi phù hợp trong sản xuất và mang lại giá trị kinh tế cao.

Đến năm 2023, huyện Đam Rông có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và theo thực tế, lộ trình đến cuối năm 2023 thêm hai xã; đến năm 2024, tất cả các xã đạt nông thôn mới. Ông Ha Hai chia sẻ: "Cùng với ba địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng, huyện Đam Rông được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng Nghị quyết phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là động lực lớn để Đam Rông hiện thực hóa khát vọng đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025. Trung tâm Bằng Lăng và xã Đạ Rsal cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V".

Dẫu còn lắm gian nan, thử thách trên miền quê mới của đất mẹ nam Tây Nguyên. Song, khát vọng trở thành huyện nông thôn mới không còn xa, khi cùng với Quốc lộ 27 hiện hữu, tuyến đường ĐT722 đang mở, dự kiến thông tuyến trong năm 2024, đấu nối vùng Đầm Ròn với đường Đông Trường Sơn. Khi phá được thế ngõ cụt, Đam Rông sẽ mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, xứ "mây ấp núi" rồi sẽ sáng tươi trong nắng mai.