Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng.
Sóc Trăng đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư gần 800 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Chương trình có mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân với tổng vốn hơn 176 tỷ đồng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 272 tỷ đồng.
Sóc Trăng đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tập trung đầu tư gần 800 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Khmer.
"Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc. Nhờ đó, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được quan tâm chăm lo. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định", đồng chí Lâm Văn Mẫn nhận định.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, lễ Sene Dolta năm nay, tỉnh đã thành lập 15 đoàn thăm hỏi, tặng quà sư sãi tại các điểm chùa Khmer; tặng quà, thăm hỏi động viên người có uy tín tiêu biểu; hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn người Khmer; tổ chức bàn giao nhà cho đồng bào Khmer và thăm hỏi, động viên đồng bào xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu.
Dịp này, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã đến tặng quà 4 tập thể, 50 cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức mặt trận và các đoàn thể tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer.
Các cấp, ngành đã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.240 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ðến nay, công tác vận động và xây dựng nhà ở đã vượt mục tiêu đề ra so với kế hoạch giai đoạn 2021-2022. Những căn nhà mới được hoàn thành dịp lễ Sene Dolta góp phần làm ngày vui trọn vẹn.
Phó Bí thư Ðảng ủy xã Viên Bình, huyện Trần Ðề Sơn Huôl tâm sự: từ lâu nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa tập trung với mô hình cánh đồng lớn, sử dụng những giống lúa cao sản, đặc sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Riêng vụ hè thu năm nay đã có hơn 2.200 ha lúa được trồng theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó tập trung chủ yếu là các giống lúa đặc sản như ST24, ST25... đang vào vụ thu hoạch. Với giá thương lái thu mua các loại giống ST từ 7.000 đồng/kg trở lên, nông dân thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.
Chị Phô-Lây ở xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Hơn nữa, năm nay mùa màng bội thu, nông sản có giá ổn định, các gia đình trong phum, sóc tăng thu nhập cho nên đón lễ Sene Dolta đầm ấm hơn mọi năm. Ðồng bào Khmer Sóc Trăng rất biết ơn Ðảng và Nhà nước đã quan tâm chăm lo để đời sống tinh thần đồng bào ngày càng phát triển.
Cán bộ hưu trí Kim Sơn tại xã Phú Tân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: Ban quản trị các chùa Nam tông Khmer rất phấn khởi và sẽ luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.