Đắk Nông khuyến cáo người dân cẩn trọng khi mở rộng diện tích chanh dây

NDO - Những năm gần đây, giá chanh dây tăng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã tiến hành trồng mới, mở rộng thêm diện tích, thậm chí phá bỏ cây trồng khác để trồng chanh dây. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá chanh dây đảo chiều hoặc cây bị nhiễm bệnh trên diện rộng...
0:00 / 0:00
0:00
Diện tích chanh dây của tỉnh Đắk Nông đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 15%.
Diện tích chanh dây của tỉnh Đắk Nông đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 15%.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 1.300 ha chanh dây, sản lượng bình quân đạt hơn 20 nghìn tấn/năm. Diện tích trồng tập trung tại các địa phương như thành phố Gia Nghĩa, các huyện Ðắk Glong, Tuy Ðức, Ðắk Song,… Chanh dây được thu mua với giá bình quân hơn 10.000 đồng/kg.

Những vườn cây có chất lượng tốt, đủ điều kiện xuất khẩu thì chanh dây được mua với giá từ 20.000-30.000 đồng/kg. Đặc biệt, đối với chanh dây quả tươi đạt các tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản có giá lên đến 60.000 đồng/kg.

Vào thời điểm hiện tại, so một số loại cây trồng khác, chanh dây đang cho thu nhập ở mức cao, nhiều nông dân cũng giàu lên nhờ thu nhập từ cây chanh dây.

Tuy cho thu nhập cao, nhưng cây chanh dây không được xác định là cây trồng chủ lực. Hiện diện tích chanh dây của tỉnh Đắk Nông đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 15% trên tổng diện tích của toàn tỉnh.

Địa phương khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích sẽ có nguy cơ gặp rủi ro. Vì hiện nay việc sản xuất còn thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, nên dễ dẫn đến cung vượt cầu.

Mặt khác, chanh dây rất mẫn cảm với thời tiết và sâu bệnh, số lần phun thuốc trừ sâu trong năm khá dày và phải dùng liều lượng lớn làm ảnh hưởng môi trường đất, chưa bảo đảm được chất lượng sản phẩm; việc kiểm soát nguồn giống cây chưa bảo đảm, khó đáp ứng được với từng loại thị trường…

Để cây chanh dây phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế, Đắk Nông định hướng người trồng phát triển, canh tác theo hướng chất lượng cao; lựa chọn giống phù hợp, trồng xen canh với những cây trồng khác để tạo nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài ra, cần liên kết chặt chẽ với cơ sở chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu; tránh ồ ạt mở rộng diện tích sẽ bị thiệt hại khi các vấn đề dịch hại và thị trường cung vượt cầu.