Mới đây, tỉnh cũng có chủ trương mở rộng diện tích cây chanh dây nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc trồng chanh dây ồ ạt, thiếu quy hoạch cũng dễ dẫn đến hệ lụy về chất lượng, thị trường tiêu thụ, môi trường, cho nên các ngành chức năng cần sớm đưa ra những khuyến cáo cho nông dân. Cụ thể, thị trường tiêu thụ sản phẩm chanh dây chưa ổn định và đang ở dạng hẹp (duy nhất chỉ có thị trường Trung Quốc). Mặt khác, số lần phun thuốc trừ sâu trên chanh dây trong năm quá dày và phải dùng liều lượng lớn cho nên đã ảnh hưởng đến môi trường chung quanh và làm chai cằn quỹ đất canh tác. Đặc biệt, sử dụng lượng thuốc trừ sâu quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến không khí và sức khỏe của người dân trong vùng. Ngoài ra, việc các vườn cây cao-su bị chặt hết nhánh phủ tán, chỉ còn trơ lại thân cây để trồng xen cây chanh dây, cũng đồng nghĩa với việc diện tích cao-su đó bị phá bỏ. Đối với các vườn tiêu bị sâu bệnh có khả năng phục hồi nhưng khi được căng dây để trồng xen cây chanh dây, vườn tiêu cũng bị hỏng. Và như vậy, về lâu dài, nếu thị trường chanh dây có biến động, người dân cũng không thể trông chờ vào lợi ích kinh tế từ cao-su, hay hồ tiêu nữa.
Thực tế cho thấy, vào thời điểm này trồng cây chanh dây trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của nông dân. Nhưng để tránh những hệ lụy về sau cả trên khía cạnh thị trường, kinh tế và môi trường thì các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần có quy hoạch rõ ràng về diện tích, sản lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ để người dân vừa an tâm trồng chanh dây, vừa có ý thức giữ gìn các cây trồng truyền thống khác.