Chúng tôi về huyện Mang Yang (Gia Lai) một trong địa phương được cho là có diện tích cây chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai. Từ vài chục ha ban đầu, khoảng giữa năm 2015 diện tích chanh dây tăng lên 200 ha và đến nay đã con số đã hơn 300 ha. Con số này có thể còn cao hơn vì một vài doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang tiến hành trồng loại cây này.
Cái lợi trước mắt mà người dân thấy được là đầu tư một ha chanh dây tốn khoảng 150 triệu đồng, trong vòng một năm sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng. Thời cao điểm giá chanh dây lên đến 50 nghìn đồng/kg càng kích thích nhiều người lao theo. Bởi vậy, cà-phê, cao su cùng nhiều loại cây khác bị đốn bỏ không thương tiếc để thay thế bằng chanh dây.
Vào thời điểm hiện tại, dù giá chanh dây trên 20 nghìn đồng/kg, nhưng tính ra lãi vẫn cao nên người dân vẫn đổ xô đi trồng chanh.
Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang chúng tôi đến thăm vườn chanh dây của ông Đỗ Công Bắc, tổ 9, thị trấn Kon Dơng huyện Mang Yang.
Tại đây, người nhà ông đang cắt tỉa cành cây cao su để cho vườn chanh phát triển. Ông cho biết, khu đất hiện tại ông đang trồng ba ha cao su nhưng do giá mủ cao su thời gian qua xuống thấp nên ông quyết định không đầu tư nữa mà dành quỹ đất để trồng xen cây chanh dây. Thực tế, việc chuyển hướng của ông đã đem lại hiệu quả, với ba ha trồng chanh dây, năm 2015 vừa qua, ông thu 80 tấn quả, với giá bán bình quân 15 nghìn đồng/kg ông đã thu về 120 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, giống chanh dây ở địa phương đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các thương lái thu mua trái chanh dây hiện cũng đều xuất cho các đại lý của Trung Quốc. Nhiều thương lái cho biết họ không biết quả chanh dây được phía Trung Quốc tiêu thụ như thế nào, chỉ biết có người mua thì họ thu mua và xuất đi. Giá cả cũng do thương lái Trung Quốc đưa ra, họ chỉ có nhiệm vụ thu gom, bán lại kiếm phần chênh lệch.
Anh Thành một thương lái chuyên thu mua chanh dây ở huyện Mang Yang cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 5 tấn chanh dây rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu ở Lạng Sơn. Về giá cả, chúng tôi không kiểm soát được vì còn phải phụ thuộc vào bạn hàng ở Trung Quốc. Họ mua bao nhiêu thì mình về mua lại của nông dân bấy nhiêu thôi”.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là chanh dây chỉ khai thác được khoảng hai năm, sang năm thứ ba sản lượng xuống rất thấp. Để đáp ứng tiêu chuẩn thu mua của thương lái, nhiều nông dân đã sử dụng rất nhiều các loại thuốc phòng chống bệnh cho cây chanh dây mà theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thì cứ 10 ngày họ phải phun thuốc một lần. Đây chính là mối hiểm họa khôn lường để lại hậu quả lâu dài về môi sinh, môi trường.
Trước sự tăng đột biến về diện tích cây chanh dây, chính quyền huyện Mang Yang cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi hoặc phá bỏ từ các loại cây trồng vốn mang tính ổn định lâu dài như cà-phê, hồ tiêu sang trồng loại cây này.
Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, khuyến cáo: “Việc diện tích cây chanh dây tăng đột biến trong thời gian qua chúng tôi nhận định là bất bình thường. Không chỉ dây giống có xuất xứ từ Trung Quốc mà khi thu hoạch quả, nếu chỉ bán cho thị trường Trung Quốc thì giá sẽ không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần thương lái Trung Quốc ngưng mua, hoặc ép giá là người nông dân thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây chanh dây như nấm, rệp rất dễ lan sang các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cà-phê”.
Nguy cơ ông Cơ cảnh báo không phải xa. Đã có rất nhiều bài học cay đắng từ việc thương lái Trung Quốc mua các loại hàng nông sản, trái cây… ban đầu đẩy giá lên cao rồi ngưng mua để ép giá khiến người trồng trồng ra phải đổ bỏ, nay với sức hút từ cái lợi trước mắt của cây chanh dây, nông dân vẫn ồ ạt trồng chanh dây. Thậm chí nhiều gia đình còn sẵn sàng thế chấp tài sản ở ngân hàng vay tiền để mở rộng diện tích trồng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, khi thương lái Trung Quốc ép giá mua xuống thấp, thậm chí là ngưng mua thì nhiều nông dân sẽ “tán gia bại sản” là điều không thể tránh khỏi.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai ông cũng cảnh báo: “Chanh dây chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên có sự chi phối về giá cả là điều đương nhiên. Bà con nông dân không nên chạy theo phong trào mặc dù có lúc giá chanh dây tăng cao nhưng chúng ta lại không làm chủ về giá được, không liên kết được với nhà sản xuất, công ty chế biến thu mua, bao tiêu sản phẩm nên rủi ro rất lớn. Vì vậy, thời điểm này bà con nông dân cần tỉnh táo nghe theo sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Hiện tại, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã xem xét đưa cây chanh dây vào diện quy hoạch rồi, vấn đề bà con cần kiên nhẫn chờ đợi để trách gặp thiệt hại”.