Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng Vũ Văn Mỹ cho biết: Lễ xuất khẩu container mắc ca mang nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng” là nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh sản phẩm mắc ca của huyện; giúp các các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn huyện kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn trong nước và thế giới để tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sạch, bền vững.
Còn theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi thì Nhật Bản là một đối tác lớn trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, cũng là một trong những thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay.
Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Năng nói riêng tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới; giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản được mệnh danh là “Nữ hoàng quả khô” này.
Đại diện Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương và Công ty OLTY (Nhật Bản) ký hợp đồng phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản đối với sản phẩm hạt mắc ca sấy của Công ty DAMACA Nguyên Phương. |
Tại buổi lễ, đại diện doanh nghiệp hai bên là Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương và Công ty OLTY (Nhật Bản) đã thống nhất tiến hành ký hợp đồng phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản đối với sản phẩm hạt mắc ca sấy của Công ty DAMACA Nguyên Phương.
Được biết, chuyến hàng mắc ca xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản lần này có khối lượng hơn 6 tấn được trồng tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Sản phẩm đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn 2 nước về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc.
Cây mắc ca tại huyện Krông Năng, ban đầu được Tổng cục Lâm nghiệp trồng khảo nghiệm tại 2 xã Phú Lộc và Đliêya năm 2003, diện tích khoảng 4ha. Hiện nay, mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp.
Riêng tại Krông Năng, trong số 2.300ha mắc ca đã trồng, có 1.000ha đang thời kỳ kinh doanh, sản lượng 2022 ước đạt hơn 1.700 tấn. Chất lượng hạt mắc ca trồng trên địa bàn huyện Krông Năng được đánh giá tốt, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng”.