Dôi dư 2.480 học sinh vào lớp 10
Báo cáo công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 6/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh; căn cứ Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” của Chính phủ và Kế hoạch triển khai Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh; căn cứ vào số lượng biên chế, quy mô trường, lớp ở cấp trung học phổ thông hiện nay của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Theo đó, công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua 2 phương thức: Các trường trung học phổ thông chuyên biệt như Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng và Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Đam San áp dụng phương thức thi tuyển trên địa bàn toàn tỉnh.
Các trường trung học phổ thông công lập khác áp dụng phương thức xét tuyển. Đối với các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học tư thục, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên, Trường Trung học phổ thông thực hành Cao Nguyên và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao xây dựng phương án tuyển sinh riêng trên cơ sở kế hoạch tuyển sinh của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Quang cảnh buổi họp. |
Kết quả công tác tuyển sinh, tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2022-2023 là 29.702 học sinh, trong đó số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập và tư thục là 23.177 học sinh, chiếm tỷ lệ 78,03% so tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở chưa trúng tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông là 6.525 học sinh. Trong số đó, số học sinh đã trúng tuyển, học lớp 10 hệ Giáo dục thường xuyên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố, của các trường trung cấp, cao đẳng nghề là 4.045 học viên, chiếm tỷ lệ 13,62%.
Như vậy, còn dôi dư 2.480 học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở không có nơi học.
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do việc phân tuyến tuyển sinh bất cập ở những vùng giáp ranh giữa các huyện, thị xã, thành phố và giáp ranh giữa các xã, phường, thị trấn.
Việc tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển có những hạn chế như: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không có cơ hội để chọn trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố vì đã được phân tuyến; kết quả kiểm tra, đánh giá kết quả học lực, hạnh kiểm giữa các trường trung học cơ sở không đồng đều nên khó khăn trong công tác xét tuyển; chưa tạo được cơ sở khoa học để đánh giá chính xác chất lượng giáo dục của các trường trung học cơ sở…
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề chưa gắn với sử dụng nên chưa thu hút được học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp, cao đẳng nghề theo mục tiêu phân luồng. Trong khi đó, theo mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%…
Xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đề xuất cần tổ chức tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển trên địa bàn toàn tỉnh; củng cố, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, biên chế giáo viên; tăng cường xã hội hóa giáo dục để tăng cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vào học trung học phổ thông; phát triển, nâng cao năng lực các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh để thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp…
Mở thêm lớp, tạo điều kiện cho tất cả học sinh học tập
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng cho biết: Thời gian qua, các bậc phụ huynh và dư luận ở Đắk Lắk hết sức bức xúc trước việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Năm học 2022-2023, thành phố Buôn Ma Thuột có 6.501 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng chỉ tiêu Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho thành phố tuyển sinh vào lớp lớp 10 là 3.565 học sinh trong tổng số 5.573 em, trong đó, có 3.630 em trúng tuyển vào lớp 10 vào học tại 9 trường trung học phổ thông, còn lại 1.444 em không trúng tuyển vào lớp 10, không biết theo học trung học phổ thông ở đâu, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại diện các địa phương góp ý cho phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của tỉnh Đắk Lắk. |
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến và chốt hồ sơ tuyển sinh giữa các trường trung học phổ thông trên địa bàn diễn ra cùng một thời điểm nên khi em học sinh này không trúng tuyển vào trường này thì không có cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác. Do đó, chỉ còn cách nộp hồ sơ vào các Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp để học…
Vì vậy, thành phố Buôn Ma Thuột đề xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh cần có giải pháp, bố trí kinh phí và giáo viên cho tất cả các em đều được học trung học phổ thông. Công tác tuyển sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các địa phương để có sự trao đổi, thống nhất trong quá trình tuyển sinh, bảo đảm quyền và lợi ích của các em học sinh cũng như sự đồng thuận trong nhân dân.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban nhân dân các huyện cho biết, hiện nay các địa phương trong tỉnh đều xảy ra tình trạng dôi dư học sinh vào lớp 10, chưa có nơi học tập. Tuy nhiên, các địa phương đều đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên…
Trong khi đó, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay tỉnh vẫn thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương nên việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục để giảng dạy cho số học sinh dôi dư này là khó khăn, không khả thi.
Để giải quyết tình trạng này, chỉ có cách tỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường trung học phổ thông và cho phép trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện mở thêm lớp 10, tạo điều kiện cho học sinh học tập.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tấn Thành cho biết: Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mở lớp, tạo điều kiện cho các em học tập, nếu địa phương nào gặp khó khăn về kinh phí thì Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để mở lớp.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát, thống kê hiện nay còn bao nhiêu học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng chưa có nơi học tập báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý với đề xuất của ngành Giáo dục và Đào tạo là cho phép Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh mở thêm lớp 10. Các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao.
Đối với các trường trung cấp, cao đẳng nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên và kế hoạch hợp đồng giáo viên giảng dạy, khi cần thiết thì mở thêm lớp 10, tạo điều kiện cho tất cả học sinh học tập.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để phụ huynh và toàn xã hội hiểu chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trên cơ sở đó định hướng học tập cho con em mình; đồng thời cần làm tốt công tác dự báo số lượng, nhu cầu học sinh vào lớp 10 hàng năm để công tác tuyển sinh bảo đảm mục tiêu đề, không gây hoang mang, lo lắng trong phụ huynh học sinh.