Đắk Lắk: Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 giảm 14,7%

NDO - Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước giảm khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 14,7% so năm 2022. Nguyên nhân do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có một số doanh nghiệp mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị suy giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp.

Sáng 6/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 7 đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của tỉnh.

Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Đắk Lắk bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển.

Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) ước đạt 60.867 tỷ đồng, tăng 4,64% so năm 2022, bằng 96,61% kế hoạch năm 2023. Tốc độ tăng trưởng mặc dù còn thấp so kế hoạch đề ra nhưng quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì ở mức khá, giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Đắk Lắk: Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 giảm 14,7% ảnh 2

Các đại biểu dự kỳ họp.

Các lĩnh vực quan trọng của tỉnh đều có sự tăng trưởng như: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 22.310 tỷ đồng, tăng 4,47% so cùng kỳ; Công nghiệp-xây dựng ước đạt 9.749 tỷ đồng, tăng 4,73%; trong đó riêng công nghiệp ước đạt 6.197 tỷ đồng, tăng 5,05%; Dịch vụ ước đạt 26.228 tỷ đồng, tăng 4,95% so cùng kỳ...

Đến cuối năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng: Nông, lâm, thủy sản chiếm 36,01%; công nghiệp-xây dựng chiếm 17,14%; dịch vụ chiếm 42,64%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 4,21%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 61,7 triệu đồng/người. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 35.744 tỷ đồng, tăng 0,02%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 0,86% và tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so năm 2022…

Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước lại giảm so năm 2022. Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.770 tỷ đồng, giảm 14,7% so năm 2022, bằng 76,93% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 104,62% dự toán Trung ương giao.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 22.666 tỷ đồng, tăng 37,1% so năm 2022, bằng 98,3% kế hoạch. Trong đó, chi đầu tư phát triển 4.049 tỷ đồng, tăng 39,42% so năm 2022; chi thường xuyên 14.245 tỷ đồng, tăng 15,17% so năm 2022%, bằng 106,84% kế hoạch…

Cũng theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra trong năm 2023 chỉ có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.

Có 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch gồm: Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội; tổng kim ngạch xuất khẩu; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; lao động, việc làm; y tế; quốc phòng-an ninh.

Có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch, nhưng trong đó có chỉ số thành phần đạt thấp gồm: tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) thấp hơn kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2023 đạt 38,03% trong khi kế hoạch đề ra là 39,24% và tỷ lệ thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình thấp hơn kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2023 ước đạt 22% trong khi kế hoạch là 30%.

Đặc biệt có 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, gồm: Giá trị tổng sản phẩm (GRDP); GRDP bình quân đầu người; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; phát triển doanh nghiệp; xây dựng nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra do ngành dịch vụ và công nghiệp, xây dựng không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian trước tiếp tục tác động, kéo dài; tình hình thế giới có những yếu tố phức tạp mới đã tác động nhanh đến kinh tế của nước ta; nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo; sản lượng điện sản xuất không có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm 2022…

Tốc độ tăng trưởng GRDP không đạt mục tiêu đề ra dẫn đến các chỉ tiêu khác như GRDP bình quân đầu người không đạt kế hoạch đề ra. Giải ngân vốn đầu tư công tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp do có nhiều vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng, thiếu đất đắp cho công trình do vướng mắc về quy hoạch mỏ đất khai thác thực hiện công trình.

Đắk Lắk: Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 giảm 14,7% ảnh 3

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Yên trả lời phỏng vấn báo chí chung quanh việc thu ngân sách Nhà nước năm 2023 giảm.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Yên cho biết: Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước giảm khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 14,7% so năm 2022. Nguyên nhân do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có một số doanh nghiệp mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị suy giảm.

Điển hình như: Công ty Bia Sài Gòn miền trung dự kiến sản lượng bia sản xuất năm 2023 chỉ là 64 triệu lít/94 triệu lít, tương ứng với số thuế 575 tỷ đồng, bằng 71,9% số thu năm 2022. Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, dự kiến sản lượng điện năm 2023 chỉ đạt 2.830 triệu Kwh, tương ứng số thu là 290 tỷ đồng, bằng 95,3% số thu năm 2022. Đặc biệt, giao dịch bất động sản trầm lắng làm giảm các khoản thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ so năm 2022... cùng với việc thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như: miễn, giảm, giãn một số loại thuế.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm được nhà đầu tư; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, sụt giảm mạnh, đóng băng trong một thời gian dài đã khiến công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn; các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản để hạn chế phát sinh nợ xấu nên phần nào ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng…

Do nguồn thu ngân sách địa phương không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất đạt thấp dẫn đến thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án và nhu cầu khởi công xây dựng các công trình mới, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xây dựng trên địa bàn.