Đắk Lắk thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050

NDO - Tại kỳ họp lần này, một trong những nội dung quan trọng được trông đợi là Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua Hồ sơ trình phê duyệt và các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp.

Ngày 14/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 11 để xem xét, quyết định, thông qua nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, tạo hành lang, cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Tại kỳ họp lần này, một trong những nội dung quan trọng được trông đợi là Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua Hồ sơ trình phê duyệt và các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đắk Lắk thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 1

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên 13.070,41 km2; phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; phía nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông; phía tây giáp Vương quốc Campuchia.

Về quan điểm phát triển, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước; các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, sự liên tục, kế thừa, ổn định, phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung, thu hút, huy động nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, bao gồm 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi, dịch vụ-logicstics-du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với không gian xanh-sinh thái-thông minh-bản sắc, cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế. Người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được bảo đảm, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế toàn tỉnh trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là tăng dần kinh tế số. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và các nhóm dân tộc trong tỉnh…

Xây dựng hệ thống đô thị thành các cực phát triển với các trung tâm kinh tế, đô thị thông minh; các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ; các hành lang phát triển và các vùng chuyên canh…

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường hàng không hiện có và đường sắt trong tương lai, nhằm gắn kết không gian Cao nguyên với không gian ven biển vùng duyên hải.

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái-bản sắc-kết nối sáng tạo”. Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh, an toàn. Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh-tuần hoàn, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Vị thế phát triển của tỉnh trong cả nước được nâng lên rõ rệt, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.

Đắk Lắk thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 2
Theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh như; Thành phố cà-phê thế giới; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; Trung tâm văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; Trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.

Đáng chú ý, theo quy hoạch tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%; đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,6%; công nghiệp xây dựng chiếm 39,5%; dịch vụ chiếm 35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,9%; GRDP bình quân đầu người đạt 131 triệu đồng…

Về phát triển mạng lưới đô thị, ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị; xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III trong giai đoạn 2021-2025. Xây dựng và phát triển huyện Ea Kar trở thành thị xã.

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm-ba cực-ba hành lang-ba vùng”. Một trọng điểm là thành phố Buôn Ma Thuột và phụ cận: Trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên, đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh-sinh thái-thông minh-bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế đô thị hướng vào chất lượng, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba cực phát triển, gồm: Thị xã Buôn Hồ là cực tăng trưởng trung tâm tiểu vùng phía bắc của tỉnh; Thị xã Ea Kar là cực tăng trưởng phía đông và Thị trấn Ea Drăng và phụ cận, huyện Ea H’leo là cực tăng trưởng mới phía bắc, đóng vai trò là đô thị cửa ngõ phía bắc của tỉnh, là đô thị đầu mối giao thương kết nối không chỉ với các trung tâm của 2 tỉnh Gia Lai-Đắk Lắk mà còn kết nối với thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột và gắn với trục hành lang Quốc lộ 14, cao tốc Ngọc Hồi-Chơn Thành, trục liên kết đông-tây, trực tiếp thông thương hàng hóa ra khu vực cảng biển.

Ba hành lang động lực, gồm: Hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14); hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29): và hành lang phía đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột).

Ba vùng gồm: Vùng Trung tâm gồm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn là tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh; Vùng phía bắc gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa Đắk Lắk với các tỉnh bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải miền trung gắn với hành lang kinh tế bắc-nam và vùng phía đông nam gồm các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk có vai trò quan trọng về văn hóa và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, nông lâm nghiệp của tỉnh

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 31 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là thành phố Buôn Ma Thuột; 1 đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 5 đô thị loại IV là thị xã Ea Kar, thị trấn Phước An, thị trấn Buôn Trấp, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk; 23 đô thị loại V…

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng xem xét, thảo luận và thông qua 6 Nghị quyết khác gồm: Nghị quyết ban hành quy định về một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; Nghị quyết cập nhật danh mục dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 5 năm (2021-2025) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kế hoạch năm 2023; Nghị quyết cắt giảm dự án trong danh mục dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kế hoạch 2023.

Đắk Lắk thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 3

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và tổ chức công bố theo quy định nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung quy hoạch đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân biết, đồng thuận và thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững.

Đối với các Nghị quyết liên quan đến đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương triển khai để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư đúng tiến độ, kế hoạch đề ra…