Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, Hội đồng Y khoa quốc gia có ba nhiệm vụ chính bao gồm: Chủ trì xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa quốc gia cho biết: Việc kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề sẽ được thực hiện kể từ ngày 1/1/2027 đối với tám chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, bao gồm: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng và thực hiện có lộ trình.
Để triển khai kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ thành lập các Ban chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn; theo đó, sẽ xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn; xây dựng Quy chế kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và các nhiệm vụ chuyên môn khác theo yêu cầu thực tế.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh, các trường đào tạo nhân lực y tế, các bệnh viện và cơ quan, tổ chức khác có liên quan lập kế hoạch chi tiết và từng bước hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể, từ xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đến chuẩn bị tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề chính là xây dựng các ngân hàng câu hỏi và đề thi cho từng đối tượng thi. Nghị định số 96/2023/NĐ-CP cụ thể hóa tám chức danh chuyên môn thành 32 đối tượng sẽ tham dự kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề (thực tế mới có 23 đối tượng có số liệu tuyển sinh, có những đối tượng chưa đào tạo như cấp cứu ngoại viện, tâm lý lâm sàng...). Thí dụ, đối với chức danh bác sĩ sẽ có bốn đối tượng là bác sĩ y khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ răng hàm mặt...
Theo kinh nghiệm từ quốc tế, đối với mỗi đối tượng, cần ít nhất 25 chuyên gia làm việc theo nhóm trong khoảng 12-18 tháng. Quy trình này sẽ gồm các bước: Xây dựng cấu trúc bộ đề thi quốc gia; biên soạn câu hỏi thi; kiểm tra độ tin cậy của câu hỏi thi và đề thi. Mỗi bước trong quy trình này sẽ bao gồm các hoạt động như tổ chức hội thảo, tập huấn, tổ chức soạn thảo câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết, tổ chức soạn thảo câu hỏi thực hành, tổ chức thi thử, phân tích kết quả thi thử và hiệu chỉnh/viết lại câu hỏi thi và đề thi, thẩm định, phê duyệt và ban hành ngân hàng câu hỏi, đề thi. Sẽ cần xây dựng cho mỗi đối tượng thi một ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực với quy mô ban đầu gồm ít nhất 3.000 câu hỏi. Trên cơ sở đó, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ ra đề thi cho mỗi đợt thi. Những câu hỏi sử dụng rồi sẽ bị hủy và được thay thế bằng câu hỏi mới.
Trong thời gian tới, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ thành lập các ban xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực theo từng đối tượng thi để thực hiện nhiệm vụ này. Ban xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực sẽ lập kế hoạch và làm việc cụ thể với các trường, các bệnh viện và hội nghề nghiệp, tập hợp các chuyên gia để xây dựng các ngân hàng câu hỏi và đề thi.
Việc tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực là một nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và phức tạp. Hội đồng Y khoa quốc gia chỉ giữ vai trò chủ trì, điều phối và giám sát, trên cơ sở huy động sự tham gia tổ chức thi, đóng góp về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các trường và các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Theo lộ trình thi đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ chủ trì tổ chức thi đánh giá năng lực cho khoảng 13.146 tân bác sĩ vào năm 2027; 30.446 bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và y sĩ vào năm 2028; và 36.427 người từ năm 2029 trở đi. Như vậy kể từ năm 2029 trở đi, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề tối thiểu hai đợt mỗi năm cho 23 đối tượng thi, tương đương 46 kỳ thi/năm cho khoảng 36.000 thí sinh.
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). (Ảnh THANH TRÚC) |
Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hội đồng sẽ giao cho các trường và bệnh viện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, con người phù hợp tham gia tổ chức thi. Các cơ sở thi đánh giá năng lực hành nghề đạt chuẩn sẽ được quy hoạch đại diện cho các vùng miền, bảo đảm thuận tiện cho các thí sinh và không gây ra tắc nghẽn cho hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ước tính, số lượng thí sinh tại các vùng như: Vùng trung du và miền núi phía bắc (khoảng 5% tổng số thí sinh), Vùng Đồng bằng sông Hồng (khoảng 34% tổng số thí sinh), Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung (khoảng 14% tổng số thí sinh), Vùng Tây Nguyên (khoảng 3% tổng số thí sinh), Vùng Đông Nam Bộ (khoảng 27% tổng số thí sinh) và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 17% tổng số thí sinh)...
Kỳ thi quốc gia có yêu cầu khắt khe về tính thống nhất, bảo mật, công khai, minh bạch, thuận tiện và công bằng, cần thiết tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thi. Cần có một trung tâm công nghệ thông tin tại Hà Nội để xây dựng, vận hành, bảo trì hệ thống thi trên máy tính, nơi lưu trữ tập trung các ngân hàng câu hỏi và đề thi, xử lý dữ liệu người thi và kết quả thi. Trung tâm này có vai trò hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai kỳ thi bằng hệ thống giám sát từ xa cũng như bảo đảm sự đầy đủ và phù hợp của các thiết bị tại mỗi điểm thi. Song song với trung tâm công nghệ thông tin, sẽ có trung tâm thi quốc gia để điều hành kỳ thi một cách thống nhất đối với tất cả các điểm thi rải trên khắp cả nước; xử lý tất cả các tình huống có thể phát sinh trong quá trình thi; tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, tố cáo; và quản lý chất lượng mạng lưới cơ sở thi, giám thị viên và giám sát viên.
Trong thời gian tới, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ thành lập Ban tổ chức thi đánh giá năng lực để lập kế hoạch và triển khai các công việc chính như: Xây dựng Quy chế kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và tiêu chí của cơ sở tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; lựa chọn cơ sở tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề đạt chuẩn; xây dựng mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng chi phí kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng đề án công nghệ thông tin và thành lập trung tâm điều hành thi quốc gia; lên phương án thi và thành lập các hội đồng thi...
GS, TS Trần Văn Thuấn khẳng định, với kế hoạch, công tác chuẩn bị và những hoạt động cụ thể trong thời gian tới sẽ góp phần chuẩn hóa đội ngũ người hành nghề trước khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm an toàn người bệnh và sức khỏe nhân dân.