Như vậy, từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 5 ổ dịch thủy đậu xảy ra tại 4 địa phương gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Lắk và M’Drắk, với 108 trường hợp mắc bệnh.
Tại 2 ổ dịch thủy đậu mới phát hiện trên địa bàn huyện Ea Kar và M’Đắk, chủ yếu xảy ra trong các trường mầm non, tiểu học và khu vực đông dân cư nên nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn.
Vì vậy, ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, Trung tâm y tế huyện Ea Kar phối hợp Trạm y tế thị trấn Ea Kar khẩn trương tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh, tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.
Bệnh thủy đậu ở Đắk Lắk diễn biến phức tạp
Tại huyện M’Đrắk, Trung tâm y tế huyện phối hợp các Trạm y tế xã thực hiện điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Tiến hành cách ly, quản lý kịp thời ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan; vệ sinh môi trường, phun Chloramin B khử khuẩn trong nhà và khu vực chung quanh nơi ghi nhận ca bệnh, lớp học, trường học... Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh.
Ngành y tế địa phương cũng tiến hành rà soát tình hình tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu của người dân tại khu vực phát sinh ổ dịch...
Nhằm khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Y tế các huyện điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.
Phần lớn các ổ dịch ghi nhận tại trường học, mật độ và tần suất tiếp xúc cao, dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc nếu không chủ động triển khai các biện pháp dự phòng kịp thời.
Vì vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đề nghị trung tâm y tế và trạm y tế các địa phương trong tỉnh cần theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thuỷ đậu trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học, hướng dẫn nhà trường, cán bộ y tế trường học kịp thời phát hiện, cách ly, xử lý khi có ca bệnh, tránh trường hợp để dịch bệnh lây lan...
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh thủy đậu tại cộng đồng và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao có tiếp xúc với người mắc bệnh, người sống cùng nhà với bệnh nhân mắc bệnh.
Khuyến cáo người dân khi phát hiện bản thân hoặc các trường hợp mắc bệnh cần thông báo ngay cho trạm y tế để được tư vấn, hướng dẫn điều trị theo quy định.