Theo đó, lao động tự do được hỗ trợ khi đủ các điều kiện: mất việc và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; cư trú hợp pháp tại địa phương; thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp làm các công việc như: bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lái xe mô-tô 2 bánh chở khách, xe xích-lô chở khách; sửa xe; thu gom rác, phế liệu; bán vé số lưu động; làm trong các nhà hàng, quán ăn; làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch…
Theo quyết định lần này, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động các ngành nghề, công việc theo quyết định, văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, số ngày hỗ trợ không quá 30 ngày.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu việc hỗ trợ phải bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách. Mỗi trường hợp chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng 1 lần.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác.