Đắk Lắk đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch

NDO -

Ngày 1/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu các tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk đến thị trường khách tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, đồng thời kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. 

Đắk Lắk có sân bay Buôn Ma Thuột, 1 trong những Cảng hàng không lớn, hiện đại, là đầu mối giao thông quan trọng-cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và trong tương lai kết nối với các sân bay thị trường quốc tế… 

Đây cũng là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng..., Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần.

Cùng với đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ… Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 33 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao, 55 khách sạn chưa xếp hạng, 137 nhà nghỉ, nhà khách; có 27 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (trong đó 12 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế); 26 khu, điểm tham quan du lịch; 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà-phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch mới cho Đắk Lắk, thúc đẩy khả năng kết nối, khai thác du lịch giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố trong vùng.

Định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà-phê của thế giới”.

Triển khai mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi; tập trung phát huy thế mạnh về di sản văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mạo hiểm như chèo thuyền Kayak vượt thác ghềnh trên sông Sêrêpôk, đi xe đạp địa hình băng rừng vượt suối; leo núi, cắm trại trong Vườn quốc gia Yok Don, Cư Yang Sin, Rừng đặc dụng Nam Ka, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường Hồ Lắk.

Tham dự hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Phạm Văn Thủy lưu ý: Khi mở cửa lại du lịch sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch, du lịch Đắk Lắk cần vận hành bảo đảm an toàn tuyệt đối; đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng Tây Nguyên đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu du lịch sau đại dịch của du khách. Đồng thời, cần có những giải pháp để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch đã bị phân tán trong đại dịch; phát huy hiệu quả liên kết du lịch; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch…

Mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới