Đắk Lắk cần tăng tốc tiến độ xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 135,46ha rừng và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 22,94ha rừng cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công trước 31/12/2023

Ngày 1/11, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện có cao tốc đi qua cùng đại diện các nhà thầu cùng dự làm việc với đoàn.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km; điểm đầu tại nút giao tại quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong đó đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa dài 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,5km.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 điểm đầu tại Km0+00 nút giao tại quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đến điểm cuối tại Km32+00 thuộc địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và khớp nối với điểm đầu Dự án thành phần 2, tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.

Đắk Lắk cần tăng tốc tiến độ xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án thành phần 2 từ Km 32+000 đến Km 69+500 với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng, do Bộ Giao thông-Vận tải là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 từ Km 69+500 đến Km117+593 với chiều dài khoảng 48,5km, tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Về quy mô mặt, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, đoạn Km0+00 đến Km7+700 nút giao với cao tốc Bắc-Nam quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m. Cầu trên tuyến quy mô phù hợp khổ đường.

Đoạn Km 7+700 đến Km117+593 (cuối tuyến) với quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m. Tại các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô hoàn thiện, bảo đảm phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô-tô cao tốc, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã chính thức được khởi công vào ngày 18/6/2023. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 26/10/2023, Dự án thành phần 3 đã giải phóng mặt bằng được 276,46ha/332,98ha toàn tuyến, đạt 83,03% kế hoạch, tưng ứng với 39,87km/48,09km toàn tuyến, đạt 82,91%.

Đắk Lắk cần tăng tốc tiến độ xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột ảnh 3

Các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột tập kết máy móc thi công công trình.

Hiện, các nhà thầu thi công đang tập kết máy móc, nhân công và triển khai thi công đường công vụ, san ủi, phát quang, dọn dẹp mặt bằng được khoảng 21,52 km. Kế hoạch vốn năm 2023 giao cho Dự án thành phần 3 hơn 1.359 tỷ đồng, đã giải ngân được gần 1.054 tỷ đồng, đạt 77,55% kế hoạch.

Dự án thành phần 2 có khối lượng giải phóng mặt bằng được 78,05 ha/317,34 ha, đạt 24,6% kế hoạch. Kế hoạch vốn đã bố trí cho Dự án là 1.123,5 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 319,6 tỷ đồng. Đến nay, đối với các vị trí đã bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã triển khai thi công hạng mục dọn dẹp, phát quang, bóc tầng phủ; một số gói thầu đang thỏa thuận với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lâm nghiệp để triển khai thủ tục thực hiện…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện của Đắk Lắk có cao tốc đi qua đều thể hiện quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 31/12/2023.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Qua trao đổi tại buổi làm việc, đến nay việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột tại Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Dự án thành phần 3 còn vướng mắc như: Theo quy định tại điểm d khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, việc giải phóng mặt bằng các điểm mỏ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế công tác thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ về đất đai để khai thác mỏ vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp chủ sử dụng đất không đồng thuận thì thiếu chế tài để cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thời gian thỏa thuận kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án…

Còn theo ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông-Vận tải, khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 135,46 ha rừng và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 22,94ha rừng cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan, cuối tháng 10/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng này sang mục đích khác để xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, nhưng đến nay chưa được Thủ tướng phê duyệt nên chưa có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo trên diện tích này.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã sửa đổi, bổ sung quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc xác định giá trị tài sản thu hồi rất khó khăn nên các địa phương đang vướng mắc trong triển khai thực hiện xử lý đối với phạm vi rừng do người dân tự trồng.

Ngoài ra, theo Quyết định số 14/2022/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quy định mức hỗ trợ khác theo lịch sử sử sụng đất theo các mốc thời gian: Trước ngày 15/10/1993; từ 15/10/1993 đến 1/7/2004; từ 1/7/2004 đến 29/7/2011; từ 29/7/2011 đến 1/7/2014. Trong khi đó, việc xác định thời gian, nguồn gốc đất rất phức tạp, đặc biệt sử dụng đất sau ngày 1/7/2014 không được xem xét hỗ trợ về đất dẫn đến tình trạng người dân chưa đồng thuận về phương án giải phóng mặt bằng…

Một khó khăn, vướng mắc khác là theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn số 4181/VPCP-CN ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết nguồn vật liệu phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi rõ: “Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để lập hồ sơ khai thác đối với các mỏ vật liệu không phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk theo đúng quy định”.

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Đắk Lắk vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự kiến đến cuối năm 2023 mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lúc đó mới có cơ sở cấp phép mỏ vật liệu cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù…

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan đã đề xuất kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương thực hiện việc thu hồi đất, lập phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo trình tự quy định của pháp luật đất đai đối với các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ gồm: giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng đối với diện tích không thuộc phạm vi phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…

Đắk Lắk cần tăng tốc tiến độ xây dựng cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột ảnh 4
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá cao công tác giải ngân vốn của Dự án thành phần 3 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, tiến độ thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột rất chậm. Do đó, đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương có Dự án đi qua; đôn đốc các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thuộc diện thu hồi đất đồng thuận bàn giao mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng nói riêng cũng như tiến độ triển khai toàn Dự án nói chung.

Đối với các vị trí đã bàn giao mặt bằng, Thứ tưởng Lê Anh Tuấn đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu tranh thủ những tháng mùa khô thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, nhân lực thi công công trình, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ theo cam kết đã đề ra...