Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp lúc 13 giờ chiều 23/9, có vị trí ở khoảng 15-16 độ vĩ bắc; 116,5-117,5 độ kinh đông đang gây mưa dông ở vùng biển phía nam của bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.
Dự báo đêm 23 và ngày 24/9, vùng áp thấp trên có khả năng mạnh thêm, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, trong đêm 23 và ngày 24/9, ở khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng cao từ 1,5-2,5m.
Cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trước tình hình gió mạnh và mưa dông trên biển, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng thông báo cho những phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...
Đồng thời khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên những phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết.
Khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới, bão tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão...